Kỳ 86: Vai trò của cà phê trong y học cổ đại đến hiện đại

Cà phê là một thức uống được ưa chuộng ở bất kỳ nơi nào nó hiện diện, có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực quan trọng trong lịch sử nhân loại, trong đó có y học.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Một dược liệu quý cho sức khỏe

Ngay khi được phát hiện vào thế kỷ thứ 9 tại Ethiopia, cà phê được xem là một món quà của thượng đế ban tặng đem đến sự tỉnh táo và minh mẫn cho người dùng. Đến khi cà phê lan tỏa, phổ biến khắp thế giới Hồi giáo bởi sự bành trướng của đế quốc Ottoman vào thế kỷ 16 – 17, và tiếp tục chinh phục châu Âu vào thế kỷ 17 – 18, thức uống này vẫn luôn được xem là tiên dược, nguồn năng lượng đặc biệt giúp tăng cường sức khỏe, kích thích khai triển trí tuệ của con người, và chữa trị một số bệnh.

Trước năm 1000, các thành viên của bộ lạc Ethiopia Galla đã nghiền những quả cà phê chín mọng, trộn với mỡ động vật tạo nên một loại thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể. Năm 1100, các thương nhân Ả Rập đã mang cà phê về trồng ở Yemen và nhanh chóng phát hiện ra công dụng đặc biệt của nó. Họ đã dùng cà phê đun sôi với nước thành một loại dược phẩm tăng cường sinh lực cho cơ thể, kích thích sự tỉnh táo, tập trung.

Đến năm 1025, nhà y học vĩ đại Avicenna đã viết tài liệu Tiêu chuẩn Y học (Canon of Medicine) – cuốn sách đầu tiên thừa nhận cà phê là một phương thức trị liệu tiềm năng như một loại thuốc. Cũng từ đây, những công dụng, lợi ích, đặc tính y học của cà phê đối với sức khỏe cũng được nghiên cứu rộng rãi. Đến thế kỷ 16, bác sĩ Prospero Alpini và các cộng sự của mình đã nỗ lực để mô tả tác động của cà phê đối với sức khỏe. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về tác dụng của cà phê đã diễn ra. Một số bác sĩ công nhận thức uống này có tác dụng làm nóng và số còn lại thừa nhận cà phê như một loại thuốc lợi tiểu, có thể làm khô một số chất lỏng nhất định.

Tại châu Âu, cà phê xuất hiện lần đầu tiên như một loại dược phẩm được bày bán trong các hiệu thuốc. Trong khi đó, các kiến thức hữu ích về cà phê với sức khỏe được biết đến thông qua những tài liệu nghiên cứu của các nhà thám hiểm Địa Trung Hải. Trong cuốn Rauwolf’s Travels của bác sĩ, nhà thực vật học nổi tiếng Leonhard Rauwolf (người Đức) xuất bản năm 1582 sau khi ông thám hiểm đến Syria và ấn tượng thức uống được người bản địa gọi là Chaube ghi rõ: “Chaube đen gần như mực và có thể chống lại bệnh tật, đặc biệt là dạ dày”. Năm 1592, bác sĩ, giáo sư thực vật học Prospero Alpini (người Ý) xuất bản cuốn De Plantis Aegypti đề cập với nhiều đặc tính dược lý của cà phê với sức khỏe con người. Năm 1687, Nicolas de Blegny, bác sĩ, dược sĩ thời vua Louis XIV của Pháp, đã viết sách về cách sử dụng cà phê, trà và socola “đúng cách” để chữa bệnh.

Những phát hiện về đặc tính đặc biệt của cà phê cũng đã được người Trung Quốc ứng dụng trong y học cổ truyền. Cà phê khi ấy được kết hợp với các loại thảo mộc khác để điều chế thành thuốc viên chữa bệnh cho những người bị lo lâu, rối loạn nhịp tim hoặc mất ngủ. Tại Nhật Bản, tác dụng y học có lợi của cà phê đã được Giáo sư Yamamoto đề cập đến trong các cuốn Komo Honzou (1783), Hirokawa (1795), Kosei Shimpen (1811).

Nguồn năng lượng đặc biệt cho thể chất và thần trí

Trong nhiều thế kỷ, cà phê lan tỏa mạnh mẽ và chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong xã hội loài người. Những đặc tính, giá trị các vật chất chứa đựng trong cà phê chính vì vậy luôn được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, phải đến năm 1819, lần đầu tiên công trình nghiên cứu của nhà hóa học người Đức Friedlieb Ferdinand Runge (1794 – 1867) mới phát hiện được thành phần quan trọng caffein trong cà phê. Đây là một khám phá khoa học có ý nghĩa lớn, làm rõ được dược tính đặc biệt của cà phê, mở đầu cho việc giải mã những bí ẩn về sức hút của thức uống này, cũng như giá trị về mặt dược lý của cà phê để ứng dụng trong y học hiện đại.

Trong cuốn sách Hauswirtschaftlichen Briefen, Runge đã kể lại cuộc gặp gỡ đặc biệt mở đầu cho phát hiện to lớn này. Theo đó, Runge đã tạo ấn tượng với đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832) bằng một thí nghiệm khoa học của mình và được Goethe tặng một túi hạt cà phê mocha Ả Rập quý hiếm như một biểu hiện của sự cảm kích, cùng lời khuyến khích nghiên cứu loại hạt này. “Ông ấy tặng tôi một hộp hạt cà phê, mà một người Hy Lạp đã gửi cho ông ấy như một món ngon. “Bạn cũng có thể sử dụng chúng trong các cuộc nghiên cứu của mình,” Goethe nói. Ông ấy đã đúng; vì ngay sau đó tôi đã phát hiện ra trong đó có caffein."

Công trình nghiên cứu của Runge đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà khoa học tiếp tục khám phá thành phần hoạt tính có trong cà phê trong suốt thế kỷ 19 và về sau. Năm 1895, nhà hóa học người Đức Hermann Emil Fischer (1852 – 1919) lần đầu tiên đã tổng hợp caffein từ các thành phần hóa học của nó. Đây là nghiên cứu quan trọng giúp Fischer đoạt giải Nobel năm 1902, và giúp con người hiểu được cơ chế chính xác của caffein. Đến năm 1912, nghiên cứu của nhà sinh lý học người Mỹ Horatio Wood (1841 – 1920) cho thấy caffein có tác dụng thúc đẩy năng lượng cơ bắp qua việc kích thích các trung tâm phản xạ của hệ thần kinh.

Theo Wood, “Caffein không chỉ đơn thuần tăng cường sức mạnh của sự co cơ mà còn cho phép cơ thể hoạt động hiệu quả hơn với cùng một khoảng tiêu hao năng lượng”. Một nghiên cứu khác vào năm 1925 của Rudolf Allers (1883 – 1963) – bác sĩ thần kinh người Áo, thành viên nhóm đầu tiên sáng lập phân tâm học và Edith Freund tiếp tục chỉ ra rằng, cà phê là nguồn năng lượng của não không kém gì cơ bắp bởi sự tác động của caffein trong cà phê lên hệ thống thần kinh. Với thành phần chính caffein, những nghiên cứu từng bước giải mã được thuộc tính cơ bản và giá trị nhất của cà phê là tính kích thích, tác động đến não bộ, hệ thống thần kinh trung ương (CNS), tim và cơ bắp. Do đó, cà phê giúp nâng cao tâm trạng, trì hoãn sự mệt mỏi, gia tăng hiệu suất trong cả công việc trí óc và thể chất.

Cùng với việc phát hiện ra caffein, các nhà khoa học cũng khám phá có hàng nghìn hóa chất khác nhau trong cà phê, bao gồm carbohydrate, lipid, các hợp chất nitơ, vitamin, khoáng chất, alkaloid và các hợp chất phenolic… Những thành phần này không chỉ góp phần tạo nên hương vị độc đáo của cà phê mà còn chứa đựng các tác dụng sinh lý tích cực đối với sức khỏe, tâm trí con người.

Ngay khi được phát hiện cách đây hơn 1200 năm, cũng như những lần xuất hiện đầu tiên tại hầu hết các châu lục, cà phê được xem là một loại dược liệu làm thuốc, trước khi trở thành một thức uống và chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội loài người. Cùng với sự phát hiện về caffein và những thành phần chứa dược tính khác của cà phê, trong suốt 40 năm qua, hơn 8000 công trình nghiên cứu y học đã được các nhà khoa học thực hiện, đi sâu phân tích, chứng minh cà phê là một nguồn năng lượng tự nhiên đặc biệt chăm sóc toàn diện cho Thân – Tâm – Trí. Điều này tiếp tục mở ra những nghiên cứu mới được thực hiện liên tục trong thế kỷ 21 về việc ứng dụng cà phê như một phương thuốc, nguồn năng lượng tự nhiên đặc biệt sử dụng trong các liệu pháp tăng cường chăm sóc, bảo vệ thể chất và tâm trí của con người. Với vai trò là thương hiệu cà phê số 1, với nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa cà phê của nhân loại, Trung Nguyên Legend xem cà phê là nguồn năng lượng tỉnh thức, thần dược cho não - thần dược cho sáng tạo. Thông qua hệ sản phẩm – mô hình – dự án khác biệt, đặc biệt, Trung Nguyên Legend đang từng bước hình thành nên một hệ sinh thái cà phê toàn diện, góp phần xây dựng nên một lối sống mới, lối sống cà phê – lối sống thành công – lối sống tỉnh thức đem đến sự giàu có và hạnh phúc toàn diện về Thân – Tâm – Trí cho cộng đồng.

Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Đón đọc kỳ sau: Avicenna Bukhara – Cà phê tăng cường sinh lực và sức mạnh tinh thần