Chuyên gia kinh tế trưởng WB:

Kinh tế VN như đang 'cưỡi' xe máy chạy 200km/h

TP- Đây là cách ví von của ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB), khi trình bày báo cáo cập nhật (12/2007) về tình hình kinh tế Việt Nam.
Ông Martin Rama

Ông Martin cho rằng kinh tế phát triển với tốc độ cao gắn liền với nhiều rủi ro nên người cầm lái phải vững và phải “đội mũ bảo hiểm”.

Giám đốc quốc gia WB Ajay Chhibber và ông Martin cũng khẳng định kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng ấn tượng ở chỗ tăng trưởng gắn liền với tính ổn định, bền vững, mọi người dân đều được hưởng thành quả.

Ông Martin nhấn mạnh đến sự tăng trưởng của nền kinh tế đi cùng với gia tăng sức cạnh tranh; xuất khẩu tăng nhanh hơn cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thậm chí ngay cả khi không tính đến dầu mỏ.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là số vốn cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên mức kỷ lục (16 tỷ USD) trong năm 2007.

Không chỉ số vốn cam kết mà con số thực hiện FDI cũng đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 6,8% GDP. Theo chuyên gia Martin, tỷ trọng giữa số vốn thực hiện FDI trên GDP của Việt Nam thậm chí còn cao hơn Trung Quốc.

Theo WB, thâm hụt thương mại năm 2007 cao hơn năm 2006 khi nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Tuy nhiên, chuyên gia Martin cho rằng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho phát triển nên không đáng lo ngại.

Mặt khác, thâm hụt thương mại cũng tương quan với nguồn dự trữ trong nước. Về nợ nước ngoài của Việt Nam, ông Martin khẳng định chủ yếu là nợ ưu đãi, chưa cần phải hoàn trả ngay, chiếm khoảng 25% GDP nên vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Lạm phát và chính sách tiền tệ

Chứng khoán: Mừng vì có người thua

Theo ông Martin, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, ấn tượng thông qua giá trị vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia này bày tỏ vui mừng hơn khi thị trường điều chỉnh đã có nhiều người mất tiền và họ sẽ đầu tư một cách cẩn trọng hơn. Chính điều này sẽ tạo ra sự tăng trưởng ổn định cho TTCK Việt Nam hơn là tăng trưởng quá nóng.

Ông Martin cho biết tính đến cuối tháng 11, lạm phát đã vượt 10%; trong đó lương thực, thực phẩm chiếm đến 43% việc gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Nguyên nhân lạm phát cao là do giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng cao và trong nước cũng đối mặt với nhiều vấn đề như lũ lụt, chính sách tín dụng và hối đoái chưa thực sự thống nhất…

Ông Martin khẳng định việc Chính phủ Việt Nam quyết định sẽ không trợ giá xăng dầu là chính sách đúng đắn, sẽ có tác động tích cực tới lạm phát về lâu dài. Cũng liên quan đến lạm phát, ông Martin nói rằng một phần là do tiền tệ.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khẳng định việc gia tăng tín dụng lên 40% là quá nhiều với nền kinh tế tăng trưởng trên 8%. Ông Martin cũng nói rằng chính sách của Chính phủ trong tiền tệ không nhất quán với chính sách hối đoái khi đã mua quá nhiều USD (9 tỷ) để duy trì tỷ giá 16.000 đồng – 1 USD.

Chính sách này có lợi cho xuất khẩu, nhưng lại góp phần gia tăng lạm phát trong nước khi các mặt hàng thiết yếu mà Việt Nam phải nhập khẩu như dầu, sắt thép trên thế giới tăng cao.

Lo ngại các tập đoàn mở Cty tài chính

Hoan nghênh tốc độ cổ phần hóa nhanh, nhưng chuyên gia WB bày tỏ mối quan ngại trước hiện tượng một số tập đoàn hàng đầu Việt Nam đang đua nhau đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh.

Ông Martin giải thích rằng khi các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực không phải lợi thế của họ thì chỉ số thành công sẽ thấp hơn. Mặt khác, mục tiêu của các tập đoàn lớn không chỉ là trong nước mà cần vươn ra nước ngoài nên việc đầu tư vào lĩnh vực không phải lợi thế cạnh tranh là không phù hợp.

Đặc biệt, chuyên gia kinh tế trưởng WB cảnh báo việc một số tập đoàn thành lập Cty tài chính. Theo ông Martin, sẽ không phải lo nếu các tập đoàn tự bỏ tiền ra đầu tư, nhưng khi họ huy động vốn từ người dân thì Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát tốt hơn nữa để không dẫn đến những tình huống không lành mạnh về lâu dài.

Chuyên gia này nêu ví dụ về trường hợp của Chilê đã từng xảy ra khủng hoảng liên quan đến các tập đoàn lớn huy động vốn từ dân chúng để đầu tư.