Kinh tế Việt Nam sớm hồi sức hoàn toàn

TP - Nền kinh tế Việt Nam vẫn ở trong tình trạng sức khỏe hợp lý và hoàn toàn có thể hồi sức đầy đủ ngay khi các điều kiện bên ngoài cho phép.
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Sean Doyle, Trưởng Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu (EC) tại Việt Nam và các tham tán thương mại Liên minh Châu Âu (EU) nhận định như vậy.

Điều kiện bên ngoài ở đây chính là các thị trường nước ngoài, trong đó EU là đối tác kinh tế chính của Việt Nam.

Các tham tán thương mại cho rằng, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2009 giảm mạnh so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức cao nhất thế giới.

“Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Sean Doyle khẳng định.

Theo số liệu mới nhất, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam của các doanh nghiệp thuộc EU lên tới 60 phần trăm tổng vốn cam kết. Đây được xem là con số ấn tượng vì tỉ lệ giải ngân vốn FDI trung bình của cả nước năm 2008 chỉ đạt 17 phần trăm.

Ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại EC tại Việt Nam, cho rằng sở dĩ tỉ lệ giải ngân FDI của các doanh nghiệp EU cao vì họ đến Việt Nam từ rất sớm so với các đối thủ khác.

Mặt khác, cũng theo ông Antonio, các doanh nghiệp EU vốn quen với các thủ tục và sự khác biệt về hành chính giữa những thành viên trong EU nên không gặp nhiều vướng mắc khi đầu tư ở Việt Nam.

Chống tham nhũng ODA

Liên quan đến nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), ông Seam Doyle cho biết, EU áp dụng các luật lệ nghiêm khắc (đã được thực hiện ở EU) tại Việt Nam nhằm ngăn chặn tệ nạn tham nhũng.

Để ngăn chặn hiệu quả tham nhũng liên quan đến vốn ODA, Trưởng Phái đoàn EC cũng tham vấn rằng, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch, công khai hóa thông tin kinh tế và các vấn đề liên quan.

Cũng theo ông Sean Doyle, Việt Nam còn phải từng bước thông qua qui chế mua sắm công.

Về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa EU và ASEAN, ông Sean Doyle cho biết, các bên nhất trí ngừng đàm phán từ tháng 3/2009, vì cho rằng việc đàm phán giữa khu vực với khu vực dường như khó thành công. EU bắt đầu đàm phán song phương FTA với Việt Nam và các nước khác trong ASEAN.

Trưởng Phái đoàn EC nhấn mạnh rằng, Việt Nam có động lực để thúc đẩy nhanh FTA nhằm giành được lợi thế xuất khẩu vào EU so với các đối thủ trong ASEAN.

Hiện vẫn còn tới 59 phần trăm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU phải chịu thuế, trong khi với Thái Lan là 50 phần trăm, Maylaysia với 21 phần trăm và Singapore chỉ 10 phần trăm.

Bất chấp những bất lợi kể trên và khủng hoảng kinh tế, quan chức EU tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU, đặc biệt là thủy sản, sẽ không giảm trong năm 2009.

Ông Sean Doyle lý giải rằng, hàng hóa của Việt Nam không phải là hàng xa xỉ nên được hưởng lợi thế trong điều kiện khủng hoảng kinh tế khi khách hàng EU thắt chặt chi tiêu.

“Chúng tôi không thấy nguy cơ sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam vào EU” - Trưởng phái đoàn EC nói.

Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại hiện tượng hàng hoá nước ngoài tràn vào Việt Nam khi chúng ta thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, các quan chức EU lại cho rằng, điều này không có gì bất thường vì, muốn tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam buộc phải nhập nhiều máy móc để sản xuất.  

Theo báo cáo về Việt Nam của các Tham tán Thương mại EU được công bố cuối tháng 5/2009, EU đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai xét trên tổng vốn được giải ngân hiện ở mức bảy tỷ USD.

Theo tham tán thương mại, EU tiêu thụ khoảng 8,3 tỷ euro hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đứng trên cả Mỹ.

Về thâm hụt thương mại, Việt Nam chủ yếu chịu thâm hụt với hai đối tác chính là Trung Quốc và ASEAN.

Trong khi đó, Việt Nam lại được hưởng lợi trong quan hệ với EU với mức thặng dư thương mại hơn 5,4 tỷ USD, tăng so với năm 2006 – 2007.