Kinh tế tuần hoàn mở ‘cơ hội vàng’ cho khởi nghiệp sáng tạo

Lợi ích kinh tế tuần hoàn mang lại cho các doanh nghiệp đó chính là tác động tích cực đến cơ hội việc làm, nhất là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc làm trong nền kinh tế tuần hoàn có thể phong phú và đa dạng nhờ tạo ra nhiều việc mới trong các ngành nghề chẳng hạn như lĩnh vực công nghiệp.

Mô hình Aquaponics –nuôi thủy sản kết hợp trồng rau thủy canh trong nhà kính của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA.

Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 15/11/2022, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (TBC) cho biết, để thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào kinh tế tuần hoàn, Viện đã tập hợp được rất nhiều tư liệu, trao đổi với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước để bàn luận các vấn đề liên quan đến kinh tế tuần hoàn.

Trong đó, với kinh tế tuần hoàn, nếu đặt ở bối cảnh quá khứ trước đây những biện pháp tái chiếm tái sử dụng đã tồn tại và hiện nay vẫn là hoạt động bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, lý do để thôi thúc kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân các quốc gia áp dụng mạnh mẽ thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

“Tôi cho rằng, có một số yếu tố như: Thứ nhất, nhân loại đang đối mặt với áp lực về môi trường; Thứ hai, là đặt trong bối cảnh hiện nay của phát triển kinh tế số, nền tảng kinh tế tuần hoàn kết hợp cùng kinh tế số cộng với yếu tố đổi mới sáng tạo là động lực lớn để thay đổi, vì đổi mới sáng tạo là giá trị của mỗi cá nhân mỗi doanh nghiệp tạo ra. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có cách áp dụng kinh tế tuần hoàn khác nhau, trên nền tảng công nghệ số khác nhau. Vậy đó là nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng của các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong thời gian tới”, ông Mạnh nói.

Toàn cảnh Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động”

TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia – VSMA cho rằng: Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất sản phẩm khác thông qua ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý... Hiện đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai thành công như mô hình chế biến từ các sản phẩm hữu cơ…

Theo TS Nguyễn Kiều Lan Phương, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp cần phân biệt rõ: Kinh tế tuần hoàn có những hoạt động dựa trên mô hình kinh doanh, còn mô hình kinh tế tuần hoàn chính là mô hình kinh doanh của nền kinh tế tuần hoàn.

TS Nguyễn Kiều Lan Phương, Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh tuần hoàn sẽ dựa vào 03 nguyên tắc cơ bản. Đầu tiên, quá trình thiết kế sản phẩm cần giảm phát thải ra môi trường. Thứ hai, sản phẩm và vật liệu luôn được lưu thông, sử dụng với giá trị cao nhất. Thứ ba, sản phẩm có khả năng tái tạo tự nhiên.

Với 3 nguyên tắc cơ bản như vậy, các doanh nghiệp cân nhắc đến 7 yếu tố (dựa vào 7R’ tiếng Anh) để tạo ra chiến lược hỗ trợ mang lại doanh thu khi áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn. Các yếu tố bao gồm: suy nghĩ lại, thiết kế lại, tái sử dụng và chia sẻ, sửa chữa, tái sản xuất, tái chế và phục hồi.

“Lợi ích kinh tế tuần hoàn mang lại cho các doanh nghiệp đó chính là tác động tích cực đến cơ hội việc làm, nhất là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc làm trong nền kinh tế tuần hoàn có thể phong phú và đa dạng nhờ tạo ra nhiều việc mới trong các ngành nghề chẳng hạn như lĩnh vực công nghiệp. Hay nhờ sự phát triển của logistic tại địa phương, các doanh nghiệp SME hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thông qua tăng cường đổi mới và sáng tạo dựa trên những dịch vụ mới.” TS Nguyễn Kiều Lan Phương cho biết thêm.