Kinh tế quý 1/2012: Tóm lại là thế nào?
“Tóm lại, về tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2012 có những chuyển biến tích cực. Các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có bước phát triển. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt bảo đảm cân đối các nhu cầu chi một cách chủ động”.
Những dòng bình luận trên được phát đi từ bản báo cáo tại hội nghị giao ban sản xuất sáng 28-3, cũng giống với những gì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý cách đây một tháng.
Nhưng về mặt con số, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong quý 1/2012 chỉ đạt 4%, thấp xuống rất nhiều so với quý trước đó và cùng kỳ năm ngoái, tương ứng là kém hơn 2 điểm phần trăm và khoảng 1,6 điểm phần trăm.
Doanh nghiệp “đồng loạt” xin giải thể
“Cấp điện từ đầu năm đến nay chắc là thoải mái”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung bình luận như vậy trước phần phát biểu của đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu của ngành điện cho thấy, trong 3 tháng qua, sản lượng điện sản xuất đạt 26.595 triệu kWh, tăng 10,31% so với cùng kỳ.
Trong dự kiến vài tháng tới của EVN, khá nhiều tổ máy sẽ tiếp tục phát điện. Như vậy, nỗi lo thiếu điện nhiều mùa hè trước, đến nay đã không còn hiện hữu. Nhưng, thuận lợi của ngành điện có lý do của nó - sản xuất đang đối mặt nhiều khó khăn.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM Lâm Nguyên Khôi thông tin “sốc” với hội nghị. Trong quý 1 năm nay, địa phương này có tới 931 doanh nghiệp đã khóa mã số thuế để giải thể, theo tổng hợp của cơ quan thuế. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư là 526 đơn vị, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng số doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế Tp.HCM còn lớn hơn nhiều lần, đến 5.012 doanh nghiệp. Con số chi tiết được diễn giải: 1.725 đơn vị chờ làm thủ tục giải thể, phá sản; 1.198 doanh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích; 1.136 đơn vị tạm ngừng có thời hạn… Riêng con số đăng ký tạm ngừng hoạt động với Sở kế hoạch và Đầu tư tăng gấp 4,6 lần năm ngoái.
Với khu vực kinh tế năng động như Tp.HCM, tình hình trên cũng có thể soi chiếu ra nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế khác. Góc nhìn tổng thể từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù chưa phải đầy đủ, nhưng cũng cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn lớn trong quý đầu năm nay.
Báo cáo lên Chính phủ hôm 25/3, Bộ cho biết, tính đến 21/3 số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% về lượng và 12% về vốn đăng ký so với cùng kỳ, tương ứng đạt trên 15,3 nghìn doanh nghiệp và 74,6 nghìn tỷ đồng.
Nhưng đáng chú ý hơn, đã có trên 2,2 nghìn doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và trên 9,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ cho biết, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.
Khó ở phía cầu
Nhưng, “số doanh nghiệp còn lại, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất khó khăn, chưa đăng ký thôi nhưng khó vượt qua nếu cứ thế này”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rõ thêm.
Hiện trạng sản xuất trong nhận định của bà Lan được Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Hà chỉ rõ: tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao, lãi suất còn khó khăn để doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến sử dụng được, nên sản xuất tăng thấp.
Nhìn về phía nhập khẩu, dù lạc quan với thâm hụt thương mại thấp, ông Hà cũng lưu ý rằng, với đặc thù nền kinh tế Việt Nam phải nhập khẩu nhiều thiết bị, nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất thì tình hình như hiện nay đang phản ánh sản xuất trong nước trì trệ.
“Đầu tư của khu vực tư nhân khó khăn, thi trường bất động sản sụt giảm, công nghiệp chế biến khó cả đầu vào và đầu ra nên nhập khẩu đầu vào máy móc thiết bị… giảm”, ông Hà lưu ý diễn biến này.
Từ góc nhìn quản lý ngành, Bộ Công Thương cũng đồng tình với quan điểm trên. Một đại diện của Bộ tại hội nghị dẫn thêm thông tin, khó khăn về kinh tế khiến cho nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện tử, điện lạnh sụt giảm. Tiêu thụ xi măng, sắt thép cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do giá trị sản lượng ngành xây dựng giảm sâu.
“Ngành công nghiệp chế biến, nếu trừ đi sản lượng xuất khẩu thì số bán hàng trong nước thậm chí có thể là âm”, ông Bùi Hà lưu ý thêm.
Với sản xuất nông nghiệp, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Hồng cũng có thêm những quan ngại cho tiêu thụ của ngành mình.
Tình hình xuất khẩu nông sản đang có nhiều khó khăn, bà cho biết, kim ngạch 3 tháng đầu năm chỉ tương đương với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cả nước tăng tới 23,6%. Đáng chú ý là giá gạo, cà phê, cao su, sắn là những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu lớn đều có xu hướng giảm giá.
Cho nên, các ý kiến phát biểu đều tỏ ra quan ngại về khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, nếu như tăng trưởng công nghiệp không được cải thiện. Hay, theo kế hoạch năm nay, mức bình quân phải đạt đối với kim ngạch xuất khẩu các tháng tới là 9,36 tỷ USD/tháng có quá sức?
Vụ trưởng Bùi Hà “vớt vát”, tình hình kinh tế tháng 1 và 2 có xấu, nhưng tháng 3 đã có chuyển biến. “Tôi nghĩ, những chuyển biến trong tháng qua có tác động của chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc hạ lãi suất”, ông nói.
Một cách tổng quan nhất, sản xuất đang khó tăng do tiêu thụ thấp, cả ở hai chiều nội và ngoại. Nhưng phía các cân đối vĩ mô như lạm phát, thâm hụt thương mại, bội chi ngân sách… đều khả quan hơn.
Thêm vào đó, sự ổn định của tỷ giá kể từ đầu năm, lãi suất đang có tín hiệu giảm… là những nhân tố tích cực để củng cố lòng tin người dân và doanh nghiệp vào điều hành của Chính phủ, ông Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân phân tích thêm.
Theo Anh Quân
Vneconomy