Kinh nguyệt không đều, có con được không?
Phần lớn, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt là do tinh thần không ổn định (trầm cảm, đau khổ, bực bội); lối sống bất thường (ăn ngủ không điều độ, lao động nặng); hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều…
Hỏi: Em 21 tuổi, đang là sinh viên. Em bắt đầu có kinh nguyệt từ năm 15 tuổi. Tuy nhiên, 6 năm rồi mà kinh nguyệt của em vẫn không đều, có lúc 20 ngày đã bị, có lúc lại hơn 2 tháng, lúc ra nhiều, lúc chỉ cần dùng băng vệ sinh hàng ngày. Em đã đi khám nhiều ở các bệnh viện tư nhân ở Ninh Bình, Hà Nội, bệnh viện phụ sản Hà Nội.
Các bác sĩ kết luận là em vẫn bình thường, chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt cho đều đặn. Các bác sĩ cũng đã kê cho em nhiều loại thuốc như viên tránh thai, cao ích mẫu nhưng vẫn không có thay đổi gì. Em phải làm gì để chấm dứt hiện tượng rối loạn kinh nguyệt? Liệu em có bị vô sinh không?
Thanh (thanh… @gmail.com)
Chu kỳ hành kinh được tính từ ngày đầu có kinh cho đến trước một ngày của chu kỳ sau, phần lớn là khoảng 28-30 ngày. Nếu chu kỳ là 25-30 ngày thì bình thường. Còn nếu hành kinh không theo quy luật, kinh nguyệt ra quá ít hoặc quá nhiều khi bị rối loạn.
Một số bệnh lý dẫn đến rối loạn kinh nguyệt như viêm nhiễm tử cung, buồng trứng, đa nang buồng trứng… Nhưng phần lớn, chị em bị rối loạn kinh nguyệt là do tinh thần không ổn định (trầm cảm, đau khổ, bực bội); lối sống bất thường (ăn ngủ không điều độ, ngủ ít, thức đêm, lao động nặng, ăn ít); hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều…
Rất nhiều em gái do giữ dáng nên không dám ăn nhiều, ốm yếu khiến cho chu kỳ kinh nguyệt rối loạn. Các nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ mỡ phải chiếm 22% cơ thể thì mới duy trì chu kỳ hành kinh bình thường.
Em đã khám phụ khoa ở nhiều nơi, các bác sĩ đều kết luận em bình thường và yêu cầu em thay đổi thói quen sinh hoạt chứng tỏ em đang có một lối sống không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, việc quan trọng nhất là em đảm bảo sức khỏe cho mình, tránh thức khuya, học tập quá căng thẳng, duy trì chế độ bữa ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, đủ chất béo, vitamin cần thiết. Điều này phải kiên nhẫn thực hiện trong một thời gian dài để cơ thể có thể từ từ trở về trạng thái ổn định.
Nếu như sau một thời gian dài mà kinh nguyệt vẫn không ổn định thì em có thể đi khám kỹ hơn về buồng trứng, tử cung để biết rõ vấn đề của mình. Em tuyệt đối không nên nghe theo các lời khuyên bảo của “lang vườn” mà tự ý uống các loại thuốc không do bác sĩ kê đơn.
Theo BS Nguyễn Thị Hoài Đức
Báo Dân Việt