Kinh nghiệm hay từ việc lập báo cáo tài chính nhà nước

Nếu như việc thực hiện lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2018 còn đầy bỡ ngỡ, khó khăn thì bước sang năm 2020, BCTCNN 2019 đã được các đơn vị trên toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện một cách thông suốt, trôi chảy nhờ những bài học được đúc kết từ giai đoạn vừa rồi.

Bất cập về chế độ kế toán

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc KBNN, để triển khai BCTCNN năm 2018, KBNN đã chủ động có các văn bản hướng dẫn chi tiết cho toàn hệ thống để thực hiện. Song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, KBNN đã khẩn trương triển khai xây dựng Hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước để chính thức vận hành hệ thống từ tháng 7/2019, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN đầu tiên năm 2018.

“Hệ thống KBNN đã dành nhiều nguồn lực và tập trung cao độ, nỗ lực, tâm huyết, khắc phục khó khăn để có thể triển khai nhiệm vụ. Đến hết tháng 12/2019, KBNN đã hoàn thành 63 bộ BCTCNN tỉnh năm 2018, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc năm 2018, trình Bộ Tài chính, Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước vào tháng 5/2020 theo đúng quy định”, lãnh đạo KBNN cho biết.

Dù BCTCNN năm 2018 ghi nhận được nhiều đánh giá tích cực, tuy nhiên xung quanh việc thực hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn từ phía đơn vị thực hiện.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Trần Quang Nguyên, Giám đốc KBNN Hà Nam cho biết, công tác tổng hợp và lập BCTCNN gặp khó khăn vì đây là nhiệm vụ mới, việc tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình tài chính của công chức KBNN chưa sâu. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị dự toán cấp 1 rất lớn do UBND cấp huyện phân bổ dự toán trực tiếp đến từng đơn vị sử dụng ngân sách.

Hơn nữa, các đơn vị được giao quản lý các Quỹ tài chính ngoài ngân sách có số dư lớn (Quỹ phát triển đất, Quỹ vì người nghèo, Quỹ phòng chống thiên tai...) gặp khó khăn trong việc lập và gửi BCTCNN cho KBNN do một số quỹ có Phó chủ tịch tỉnh, huyện làm chủ tài khoản, kế toán chủ yếu ghi chép việc thu, chi quỹ, chưa rõ chế độ kế toán áp dụng. Đặc biệt, số liệu về tài sản kết cấu hạ tầng của địa phương còn thiếu do các đơn vị quản lý chưa nhập đầy đủ số liệu vào hệ thống phần mềm của Cục quản lý công sản.

Ghi nhận khó khăn khác từ phía KBNN Thái Bình, bà Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng phòng Kế toán của đơn vị chia sẻ, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 500 đơn vị phải gửi BCTCNN tới Kho bạc. Dù là năm thứ hai thực hiện nhưng vẫn còn khoảng 10% số báo báo phải trả lại để các đơn vị sửa, bổ sung. Hơn nữa, nguồn số liệu thông tin tài chính để lập BCTCNN (hoặc Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện) phần lớn phụ thuộc từ các đơn vị bên ngoài (chỉ có thông tin về thu chi ngân sách được tổng hợp từ hệ thống TABMIS). Do đó, các đơn vị KBNN gặp nhiều khó khăn trong việc phân tích, tìm hiểu báo cáo của đơn vị, hỗ trợ các đơn vị lập và tổng hợp báo cáo cung cấp thông tin tài chính cũng như trong việc tổng hợp, lập BCTCNN. Sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc triển khai lập và báo cáo TCNN chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nhận thức và trình độ chuyên môn của cán bộ kế toán, đặc biệt là đơn vị xã, phường chưa cao, còn hạn chế về nghiệp vụ.

Tuyên truyền, hướng dẫn từ sớm

Từ những khó khăn vướng mắc đó, tại mỗi địa phương đã có những cách làm hay để có thể hoàn thành nhiệm vụ lập BCTCNN. Đơn cử như tại Hà Nam, KBNN địa phương này đã hình thành một bộ tài liệu về BCTCNN tỉnh năm 2019 trình UBND tỉnh để báo cáo HĐND tỉnh theo quy định. Theo đó, ngoài 4 báo cáo theo quy định của BCTCNN, bộ tài liệu đã giải thích một số vấn đề mang tính nguyên lý, pháp lý về BCTCNN. Đối với báo cáo tình hình tài chính nhà nước tỉnh, từ việc nêu số tuyệt đối và phân tích số tương đối trong tổng số tài sản theo từng cơ cấu tài sản, KBNN Hà Nam đã phân tích chi tiết về quy mô, tỷ trọng các loại tài sản, tính chắc chắn của tài sản và cơ cấu nguồn hình thành cũng như hình thái thể hiện tài sản nhà nước của tỉnh.

Đối với báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước, KBNN Hà Nam cũng chỉ ra sự cân bằng giữa doanh thu và chi phí trong từng kỳ kế toán của khu vực nhà nước, trong đó tập trung vào hoạt động thu, chi thuộc ngân sách nhà nước và các hoạt động ngoài ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc khu vực nhà nước… Đồng thời, KBNN Hà Nam cũng kiến nghị một số nội dung cơ bản như: đẩy nhanh phương án cổ phần hóa để đảm bảo hiệu quả hơn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tỉnh; nuôi dưỡng, đa dạng hóa các nguồn thu ngoài thuế, nhất là các khoản thu phí của đơn vị sự nghiệp; tiếp tục tăng cường các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, giảm mạnh tỷ lệ vốn xây dựng cơ bản dở dang…

Bà Nguyễn Thị Minh Đức cũng chia sẻ, tại Thái Bình, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, năm 2019, các đơn vị sử dụng ngân sách đã chủ động hơn trong việc cung cấp báo cáo. Nhờ vậy, công chức kế toán của KBNN có thêm thời gian để nghiên cứu, rà soát thông tin và tổng hợp thông tin. Những đơn vị còn gặp khó khăn trong công tác này như khối Đảng hay các tổ chức tài chính cũng được tập huấn, hướng dẫn kĩ càng hơn, đảm bảo hoàn thành công việc đúng tiến độ.

Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng nhờ những bài học kinh nghiệm phong phú, đến nay, hầu hết các KBNN đã cơ bản hoàn thành việc tổng hợp để trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo HĐND tỉnh. Chắc chắn rằng, BCTCNN năm 2019 toàn quốc sẽ được hoàn thành trong tháng 3/2021 để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội cùng Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trong kỳ họp tháng 5/2021 theo đúng quy định hiện hành.