Kinh hãi tác dụng của corticoid
Bà Nguyễn Thị Phim trú tại Ý Yên, Nam Định được chẩn đoán ung thư xương giai đoạn cuối. Sau khi điều trị được vài tuần, bà Phim đã bị liệt hoàn toàn.
Toàn bộ xương chân trái của bà chụp lên CT như màu cỏ cháy. Bác sĩ cho biết toàn bộ xương đã bị giòn, mục.
Bà Phim nghẹn ngào từ vài năm nay bà thường xuyên bị bệnh khớp hành hạ. Mỗi lần đau xương, bà Phim lại đến phòng khám tư ở quê tiêm thuốc. Thứ thuốc bà tiêm bà Phim cho biết là rất nhạy tiêm đến đâu biết ngay đến đó.
Chỉ tiêm sau 1- 2 mũi là hết đau và khi hết hơi thuốc bà lại ra tiêm coi đó như là thần dược giảm đau. Cứ như thế, bà lệ thuộc vào cái thuốc mà bà không biết tên. Chỉ biết ở quê loại thuốc rất hiệu nghiệm.
Gần đây, bà thấy đau hơn, tiêm thuốc giảm đau đó vẫn không đỡ nên bà được con cái đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán bị tràn dịch màng khớp và chụp CT kết luận bà bị ung thư xương. Toàn bộ xương đã bị ảnh hưởng.
Bà Phim đau đớn khi kể lại cho bác sĩ tiểu sử bệnh của mình. Bác sĩ nghi ngờ đó có thể do tác dụng phụ của thuốc có chứa corticoid.
Tại Bệnh viện Mắt trung ương, các bác sĩ khuyến cáo có rất nhiều bệnh nhân bị giảm thị lực thậm chí mù vĩnh viễn do tự ý nhỏ thuốc nhỏ mắt.
Khi bác sĩ tìm hiểu ra thì đây là nhóm thuốc chống viêm có chứa corticoid. Nhóm này có tác dụng làm dịu và mát mắt nên người nhỏ mắt rất nghiện nhưng lây dần có thể gây mù mắt, đục thủy tinh thể.
Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết ông gặp rất nhiều bệnh nhân bị tác dụng phụ của corticoid.
Trong đó phổ biến nhất là mọc lông trên người, suy thận, đặc biệt là tác dụng biến dạng cơ thể của corticoid. Các bác sĩ thường gọi là hội chứng Cushing.
Giáo sư Bình cho biết đây là một tình trạng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với liều lượng cao hormone cortisol trong một thời gian dài.
Nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng Cushing, đôi khi được gọi là hypercortisolism, là sử dụng các thuốc corticosteroid uống.
Đặc điểm của những bệnh nhân này là dấu ấn của bướu béo giữa vai, khuôn mặt tròn và màu hồng hoặc da căng, điểm màu tím trên da. Hội chứng Cushing cũng có thể dẫn đến huyết áp cao, loãng xương và bệnh tiểu đường.
Nguy hại vì quá phổ biến
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyễn Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết corticoid thường được coi là con dao hai lưỡi, mà cả hai đều hết sức sắc bén. Điều đáng lo ngại nhất là thành phần này nó có mặt ở rất nhiều các loại thuốc.
PGS Dũng cho biết corticoid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong nhiều năm qua.
Hầu hết các cơ quan trên cơ thể người đều có những bệnh lý cần được điều trị với nhóm thuốc này, có thể qua đường tiêm, đường uống hoặc dùng tại chỗ như: bôi, xịt, hít, tra mắt.
Đặc biệt ở các loại thuốc bổ dành cho trẻ, nhiều người vì lợi nhuận không tiếc cho thêm corticoid vào trong thuốc để trẻ ăn có cảm giác tăng cân béo lên vì nó gây tích nước. Trong mỹ phẩm nó làm da sáng lên, mịn màng hơn nhưng sau đó gây teo da dần dần.
Nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian, các thuốc này có thể góp phần giải quyết tốt một số vấn đề nhất định cho người bệnh.
Tuy nhiên, nếu dùng liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều các tai biến nguy hiểm cho người bệnh.
Để sử dụng an toàn và hiệu quả nhóm thuốc này, theo các bác sĩ việc quan trọng là không tự dùng thuốc, hạn chế đến mức tối đa việc chỉ định sử dụng nhóm thuốc này.
Trong trường hợp người bệnh bắt buộc phải dùng thì nên sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Không được sử dụng các chế phẩm có chứa corticoid khi bị nhiễm nấm hoặc virus.
Phải theo dõi điều trị và theo dõi bệnh nhân cẩn thận trong và cả sau khi điều trị dài ngày, áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa các tác dụng phụ.