Kinh hãi hóa chất kích thích giá đỗ

Cơ quan giám định khuyến cáo: Do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu các chất kích thích sản xuất giá đỗ tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người, có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.

Kinh hãi hóa chất kích thích giá đỗ

> Giá đỗ không nguồn gốc tràn lan ở chợ Hà Nội
> Thu 80.000 lọ thuốc kích thích giá đỗ

Cơ quan giám định khuyến cáo: Do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu các chất kích thích sản xuất giá đỗ tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người, có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.

Hóa chất kích thích giá đỗ của Trung Quốc không được phép sử dụng tại Việt Nam.

Độc tố cấm… đi chui vào Việt Nam

Đêm 12, rạng sáng 13/11, tổ công tác Đội 6 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 11 - Chi Cục QLTT Hà Nội phục kích, kiểm tra 2 xe ô tô tải, trọng tải mỗi xe 15 tấn, chở hơn 90 tấn đỗ xanh nguyên hạt, đỗ đen, đỗ tương, đang dừng đỗ ở phố Hà Huy Tập (huyện Gia Lâm). Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe ô tô BKS 29C-215.28 do lái xe Trịnh Quang Doanh (SN 1981), ở Tiên Du, Bắc Ninh điều khiển chở 47 tấn đỗ và 20 thùng chứa chất kích thích tăng trưởng (tương đương 80.000 ống, loại 2ml/ống). Toàn bộ số thuốc trên có in nhãn mác Trung Quốc, không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Quá trình đấu tranh, lái xe khai nhận dự định chuyển hàng chục nghìn ống thuốc kích thích cho các cơ sở sản xuất giá đỗ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Năm lần ký công văn và gửi mẫu đến các Trung tâm, Viện nghiên cứu về ATTP và thuốc bảo vệ thực vật lớn nhỏ tại Hà Nội, nhằm xác định thành phần hóa chất, nhưng không ai tiếp nhận; cuối cùng, Đội QLTT số 11 đã phải “cầu cứu” Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Cuối tháng 11/2013, cơ quan này đã có công văn trả lời kết quả phân tích. Theo đó, 80.000 ống hóa chất trên có thành phần chủ yếu là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ pCPA (4-Chlorophenoxyacetic acid hoặc Parachlorophenoxyacetate…), được pha chế trong môi trường kiềm. Theo các chuyên gia kỹ thuật hình sự: 6-BA và pCPA là các chất kích thích tăng trưởng thực vật, thuộc họ Cytokinins và họ Auxins có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng (dùng nhiều trong giá đỗ và cây su su…), để kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả.

“Loại hóa chất trên không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm, do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam” - Đại tá Hà Quốc Khanh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, cho biết trong công văn trả lời. Cơ quan giám định khuyến cáo: Do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu chất lỏng trên tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người, có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.

Ngành Y tế cần tìm ra ngay phương pháp kiểm tra nhanh loại giá đỗ ngâm hóa chất độc hại.

Chặn được từ “ngọn”

Một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm mất an toàn, có “đất sống” lâu nay chính là do sự tắc trách, thiếu sâu sát của các lực lượng chức năng trong khâu kiểm tra, giám sát. Việc những người nông dân, cơ sở sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, phân bón trong sản xuất rau, củ, quả; sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi được báo chí cảnh báo lâu nay (kể cả việc sử dụng hóa chất để sản xuất giá đỗ), nhưng “phản ứng” được ghi nhận nhất từ phía các cơ quan chức năng không gì hơn là... im lặng. Hơn một tháng sau khi Công an Hà Nội phát hiện, ngăn chặn vụ tiêu thụ 80.000 ống hóa chất kích thích giá đỗ, thì các ngành như Y tế, NN&PTNT cũng không tỏ ra “nóng ruột” trong việc truy nguyên loại độc tố nguy hiểm này. Việc khuyến cáo người dân, cảnh báo các cơ sở sản xuất cũng không hề có.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường chia sẻ: “Thước đo hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP không nên tính bằng số lượng các vụ bắt giữ, mà hãy tính xem các vụ, việc ấy đã “đánh” trúng, đúng những lo lắng thường trực của nhân dân chưa”. Vụ phát hiện 80.000 ống hóa chất độc hại dùng vào việc sản xuất giá đỗ - chính là một trong số ít các vụ, việc được đánh giá đi đúng định hướng đó. “Không chỉ dừng lại ở việc bắt giữ, gửi mẫu phân tích và khuyến cáo, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng việc trinh sát để sớm phát hiện, bắt quả tang các “lò” sản xuất giá đỗ tại Hà Nội sử dụng loại hóa chất cấm này” - Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khẳng định. Cũng theo chỉ huy Đội 6, đơn vị sẽ tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng có công văn kiến nghị các ngành chức năng siết chặt việc kiểm soát, ngăn chặn hóa chất này ở khu vực cửa khẩu, hạn chế loại độc tố này “chảy” tự do về các địa phương như thời gian qua. “Thông tin trinh sát ghi nhận được cho thấy, vẫn còn tình trạng các xe vận chuyển hóa chất độc hại từ biên giới về xuôi tiêu thụ” - đại diện Đội 6 cho biết.

Giống như việc tạo ra các que thử để kiểm tra hàn the trong giò chả, hay formaldehyde trong bánh phở, việc cấp thiết lúc này với ngành Y tế, đặc biệt là Sở Y tế Hà Nội là cần tìm ra ngay “phép thử” có thể “đọc” được giá đỗ bị ngâm hóa chất độc hại. Theo nguồn tin riêng của PV ANTĐ, đã có một cơ quan liên hệ với phòng nghiệp vụ Công an Hà Nội để thu thập thông tin về loại hóa chất này, phục vụ cho việc nghiên cứu phòng ngừa độc tố có trong thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan đó không thuộc ngành Y tế.

Theo An Ninh Thủ Đô

Theo Đăng lại