Ghi nhận tại khu vực Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), nơi được mệnh danh là phố ăn uống, cà phê sầm uất Sài Gòn. Trước đây, nhiều người dù có tiền cũng không dễ thuê mặt bằng ở khu vực này, đơn giản là không còn chỗ. Vậy mà từ sau Tết đến nay, hàng loạt tiệm đóng cửa, treo bảng nghỉ bán.
Anh Vũ Đình Toàn, chủ quán hải sản Lộc Vừng (Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận) cho biết: “Từ khi có dịch Covid-19, khách hàng ngại đám đông không dám ăn ở quán. Nguyên cả tháng trời, doanh số của quán Lộc Vừng chỉ đạt vài chục triệu đồng, giảm hơn 90%. Chúng tôi thật sự điêu đứng. Lúc đầu là cắt giảm bớt nhân viên, sau đó quá ế nên chúng tôi đóng cửa, tìm người sang nhượng quán luôn”.
Chủ quán cà phê 247 (đường Hoa Sứ, Q.Phú Nhuận) nói: “Kinh doanh ế ẩm là một chuyện, còn lại tiền mặt bằng nơi này rất cao, quán có diện tích chừng 100m2, giá thuê 110-150 triệu đồng, tùy vị trí. Buôn bán được thì không nói, nhưng thời điểm này chúng tôi gồng mức giá này, chỉ 2 tháng thôi là… đứt sô. Vừa hết hợp đồng nên tôi trả nhà, tìm nơi khác dù có xa trung tâm một chút nhưng giá thuê dễ thở hơn”.
Chuỗi ẩm thực Food House với nhiều chi nhánh tại TPHCM và Hà Nội cũng thông báo tạm dừng hoạt động chi nhánh tại Phan Xích Long và một chi nhánh khác tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3). Số chi nhánh của chuỗi Food House này tại TPHCM chỉ còn lại 3. Còn tiệm Honki Udon tuy mới xuất hiện gần một năm vẫn chịu chung cảnh ngộ rút lui khỏi con đường này khi đại diện cửa hàng xác nhận tiệm đã đóng cửa.
Trên nhiều tuyến đường khác ở các quận 1, 3 như Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu (Q.3), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3)… hàng loạt shop, cửa hàng đều treo biển sang nhượng, cho thuê hoặc bán nhà. Gọi đến số điện thoại dán trên ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) cho thuê, người này cho biết, nhà có diện tích 150m2, giá 200 triệu đồng/tháng.
Bên trong những trung tâm thương mại sầm uất, lượng khách trong và ngoài nước thường xuyên đến rất đông nhưng cũng chung tình cảnh chợ chiều khi dịch Covid-19 bùng phát. Tại trung tâm thương mại Taka, Sài Gòn Square… không ít cửa hàng đóng cửa, dán giấy sang nhượng quầy.
Một chủ quán ở phố này cho biết, bán hàng rất ế! Ngoài việc cơ sở sản xuất đứt nguồn cung do thiếu nguyên liệu, thì khách đến mua sắm cũng giảm tới hơn 95%.
Theo thống kê sơ bộ tại TPHCM, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40 đến 50% so với trước. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20 đến 30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại giảm tới 40%. Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh thu cũng lao dốc không phanh. Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, chủ đầu tư các trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê.
Theo ông Trần Minh Trí, chuyên gia phân tích thị trường, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong khi lợi nhuận không có, kịch bản kinh doanh màu xám có thể kéo dài. Điều này khiến những cửa hàng có tiềm lực tài chính yếu buộc phải ra quyết định trả mặt bằng. “Cơn lốc trả mặt bằng kinh doanh ở khu trung tâm có thể kéo dài đến quý II/2020, thậm chí lâu hơn” - ông Trí dự báo.