Trong khi đó, tất cả các loài côn trùng sống theo bầy đàn kiểu xã hội đều có khả năng sinh ra cá thể đực để thực hiện chức năng nhân giống bằng cách thụ tinh cho các con chúa.
Nghiên cứu lịch sử tiến hóa, các nhà khoa học ước tính loài kiến “Mycocepurus smithii” trồng nấm có mặt trên Trái Đất từ gần hai triệu năm về trước, một loài kiến trẻ so với lịch sử phát triển 50 triệu năm của nhóm kiến trồng nấm.
Nuôi cấy khỉ khỏe mạnh từ nhiều cha mẹ
Các nhà khoa học Mỹ ứng dụng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm để dùng gen của các cha mẹ khỉ khác nhau để loại bỏ tất cả các khiếm khuyết di truyền của DNA trong phôi khỉ và tạo ra bốn con khỉ con khỏe mạnh đã được sửa đổi gen. Kết quả là những con khỉ con vừa ra đời có hai mẹ và một cha!
Các nhà khoa học khẳng định, sắp tới đây, bằng công nghệ gen, có thể cho ra đời những em bé được khắc phục tất cả các khiếm khuyết gen.
Để đạt được kết quả đó, các nhà khoa học lấy một tế bào trứng từ khỉ mẹ có DNA mang bệnh di truyền, sau đó tách bỏ gen có thể dẫn đến bệnh di truyền và lấy nhân DNA cấy ghép vào tế bào trứng khỏe mạnh của một khỉ mẹ khác. Kết quả, họ thu được một tế bào trứng hỗn hợp.
Sau đó đưa tế bào trứng này và tinh trùng của khỉ bố tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm để tạo ra một khỉ con có bộ gen hoàn hảo.
Nguy cơ kiến cạnh tranh với người
Sắp tới đây, nếu loài người là chúa tể của động vật có xương sống, thì loài kiến sẽ được tạo hoá trao vương miện trong thế giới côn trùng.
Theo các nhà khoa học, chỉ có loài kiến là có khả năng thích nghi với sự biến đổi môi trường để duy trì nhiều tập tính xã hội phát triển. Đa số loài kiến đều có ích, chúng dùng thức ăn không phải do con người tạo ra, hoặc chỉ dùng những thức ăn mà con người không thể sử dụng được.
Hàng triệu năm qua, trong quá trình tiến hoá, chúng từng tồn tại cùng loài người mà không gây hại cho nhau.
Hiện nay, quần thể kiến Argentina đang tăng trưởng và lan toả trên khắp thế giới với một tốc độ rất nhanh và các nhà khoa học bắt đầu đề cập đến nguy cơ liệu chúng thể đe dọa môi trường sinh thái của loài người hay không.
Chế tạo xăng từ dưa hấu
Thế giới đang chứng kiến hàng trăm nghìn tấn dưa hấu bị vứt bỏ trên khắp thế giới có thể trở thành nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Theo các nhà khoa học, ethanol là loại nhiên liệu dạng cồn được sản xuất bằng phương pháp lên men và chưng cất các loại ngũ cốc chứa tinh bột có thể chuyển hóa thành đường đơn (như bắp, lúa mì, lúa mạch). Ngoài ra, chất cồn này còn được sản xuất từ cây, cỏ có chứa cellulose. Người ta gọi đó là ethanol sinh học.
Ethanol là chất phụ gia để tăng trị số octane (trị số đo khả năng kích nổ) và giảm khí thải độc hại của xăng.
Hằng năm, nông dân ở các châu lục loại bỏ khoảng 1/5 lượng dưa hấu, tương đương 360.000 tấn, trên đồng ruộng trong mỗi vụ do chúng không đạt tiêu chuẩn như có hình dạng méo mó hoặc bầm dập trên vỏ.
Theo các nhà khoa học Mỹ, lượng dưa hấu bị vứt bỏ này có thể tạo ra gần chín triệu lít nhiên liệu sinh học ethanol.
Vàng và kim cương của người cổ đại
Vỏ sò là đồ trang sức quý giá nhất của loài người cách đây 80.000 năm và là đồ trang sức cổ xưa nhất trên Trái Đất, đó là kết luận của các nhà khoa học sau khi khai quật được vỏ sò tại bốn địa điểm ở Morocco, củng cố giả thuyết cho rằng từ 80.000 năm trước, con người không chỉ đeo đồ trang sức biểu tượng mà còn dùng chúng như một thứ tiền để mua bán.
Những vỏ sò này góp thêm vào bộ sưu tập vỏ sò 110.000 năm tuổi được tìm thấy tại Algeria, Morocco, Israel, và Nam Phi, chứng tỏ rằng đây là hình thức trang sức cổ xưa nhất Trái Đất.
Việc những vỏ sò này được dùng với công năng tương tự nhau ở nhiều khu vực cho thấy đây là một hiện tượng văn hóa, một truyền thống lan truyền trong các nền văn hoá suốt hàng ngàn năm.
Đối với giới khoa học, vỏ sò không chỉ là vật trang sức mà còn là đại diện cho một công nghệ cụ thể truyền tải thông tin thông qua một ngôn ngữ đã được mã hoá, phản ánh tư duy tiến bộ và sự phát triển của các dòng văn hoá.
Lê Thuỳ Dương
sưu tầm và tổng hợp