Khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam

TPO - Sáng 24/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội kiến với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhân dịp ông có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chào đón Tổng thống Frank-Walter Steinmeier. (Ảnh: Như Ý)

Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chào đón Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của Tổng thống sẽ tạo động lực mới đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả trong thời gian tới; khẳng định trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị thế của Đức tại khu vực và trên thế giới và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Đức trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Đức đã hỗ trợ Việt Nam số lượng lớn vắc-xin phòng COVID-19, giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc hội kiến. (Ảnh: Như Ý)

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam; đánh giá cao sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam những năm qua.

Hai nhà lãnh đạo vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ hai nước trong nhiều thập niên qua, đặc biệt là các dự án hợp tác biểu tượng giữa hai nước đang hoạt động hiệu quả như Đại học Việt – Đức, Ngôi nhà Đức...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với Tổng thống Đức những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam sau 35 năm Đổi mới.

Để thúc đẩy tăng trưởng,Việt Nam sẽ tập trung trong thực hiện các đột phá chiến lược giúp hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; cam kết có trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác của Đức.

Tổng thống Steinmeier và các quan chức cấp cao Đức tại cuộc hội kiến. (Ảnh: Như Ý)

Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, qua đó giúp gia tăng tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau và tạo xung lực mới cho hợp tác hai nước; tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN - Đức, ASEAN - EU.

Khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột của quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Đức nhất trí tăng cường khuyến khích doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như năng lượng, đường sắt, thiết bị y tế, dược phẩm, hạ tầng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); tiếp tục hợp tác với Việt Nam triển khai hiệu quả khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Đức là một bên tham gia để Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải như đã cam kết tại COP 26 cũng như phối hợp hiệu quả triển khai các dự án hợp tác phát triển do Đức tài trợ trong thời gian tới, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo.

Toàn cảnh cuộc hội kiến. (Ảnh: Như Ý)

Muốn người Việt cải thiện tình trạng thiếu lao động

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường xây dựng các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề. Tổng thống Đức bày tỏ mong muốn, lực lượng lao động Việt Nam sẽ sớm có cơ hội được làm việc tại Đức, cải thiện tích cực tình trạng thiếu hụt lao động tại Đức thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng thống Đức tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng hơn 200.000 người Việt Nam tại Đức hội nhập thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Đức, là cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Tổng thống Đức đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Đức và coi đây là tài sản quý báu trong quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hoà bình, ổn định, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hai bên nhấn mạnh ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.