Đó cũng chính là lý do vì sao ai đó có ngày lỡ uống đến 4, 5 ly cà phê hay nhiều hơn nữa mà đêm về vẫn ngủ ngon.
Công nghệ chế biến "cà phê ngõ hẻm"
Anh T.B, chủ một cơ sở rang xay cà phê bỏ mối ở Q.12, cho biết thị trường TP.HCM đang có đến gần 2.000 thương hiệu cà phê bột đóng gói, từ những cơ sở có vốn chỉ vài trăm ngàn đồng cho đến các công ty với hàng trăm công nhân làm việc.
Các cơ sở này kinh doanh theo kiểu đến các lò rang mua cà phê về xay, đóng gói với một nhãn hiệu "mạnh ai nấy nghĩ" rồi mang đi bỏ mối cho các quán cà phê lớn nhỏ, nhiều nhất là các quán cà phê "cóc" lề đường.
Quy trình chế biến cà phê ở một lò rang cà phê trong một con hẻm thuộc tổ 44, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12 như thế này:
Sau khi khiêng hai bao đậu nành loại "cực đẹp" đổ vào lò, anh thợ phụ cắm điện, mồi củi, vài phút sau lửa cháy phừng phực, chảo rang quay nhịp nhàng giống như một cái máy trộn bê tông. T. - chủ lò - đi đâu đó thồ về thêm 2 bao đậu nành nữa, mỗi bao là 60 kg, tổng cộng hôm nay T. rang hai tạ tư đậu nành.
Anh ta cho biết: "Mọi khi rang gấp ba như thế". Nói đoạn T. loay hoay lấy ra 50 kg đường bánh, cho khoảng 10 lít rượu vào khuấy lên rồi đổ vào chảo nấu. Khi chảo đường sôi sùng sục, đen xì trông giống như nhựa đường, T. cho vào đó khoảng hơn 10 loại hóa chất và bắt đầu từ đây mùi cà phê tỏa ra ngào ngạt. Đó là công đoạn "tẩm".
Nấu chảo đường khoảng hơn một tiếng, T. nếm thử đường và gật gù: "OK". Lúc này, đậu nành đã "tới". Hai thợ phụ khác đưa xe đẩy vào gầm lò rang, rồi mở lò chuyển đậu ra. Đậu nành cháy đen đổ đầy ra nền xi măng, hai chiếc quạt công nghiệp mở hết cỡ để thổi cho mất mùi đậu nành.
Khi đã bớt khói, thợ lấy đường từ chảo đang sôi sùng sục đổ vào đậu rồi ra sức đảo (theo T., đường và đậu được trộn đều khi còn nóng sẽ chỉ còn lại mùi cà phê mà thôi). Công đoạn này kết thúc, đậu chuyển sang màu đen nhánh trông giống hệt như cà phê, dính vào nhau thành từng bánh.
Hai thợ phụ dùng cào cào đậu rộng ra rồi tăng tốc quạt. Đậu nguội, một thợ phụ để nguyên cả dép nhảy vào, dùng xẻng, bàn cào và dùng cả chân đạp cho đậu tơi ra. Sau đó đậu nguội được đóng bao, giao cho chủ cơ sở xay đóng gói chở về. Toàn bộ quy trình chế biến "cà phê" kết thúc!
Bí quyết làm giàu của các ông chủ lò
Sáng ngày 3/5, theo chân chủ lò dẫn lên chợ Kim Biên mua hàng. Ghé vào tiệm N.S, Chủ lò hỏi mua hai loại hóa chất được ký hiệu gì đó rất khó nhớ (mỗi loại 1 lạng), một nhân viên của tiệm xách ra 2 can nhựa loại 5 lít có màu sậm chiết ra giao hàng.
Rời tiệm N.S, sang tiệm T.N, chủ lò mua 1/2 kg sữa Úc (150.000đ/kg), 1 kg ca cao (40.000đ/kg). Sau đó về tiệm H.L trên đường Nguyễn Trãi. Chủ lò đưa cho ông chủ tiệm người Hoa một danh sách gồm 9 loại hóa chất, trong đó ghi 200g ĐĐ1 (đây là hương cà phê Đông Đức loại 1), 200g HK (Hồng Kông), 200g MOP (Môca Pháp) và một số loại hóa chất khác. Liếc qua một lần, ông chủ tiệm gọi nhân viên lấy hàng, cho vào bịch xốp. Số tiền phải trả là 769 ngàn đồng. Tất cả 14 loại hương liệu, hóa chất được mua trong buổi sáng hôm đó hết hơn một triệu đồng.
Qua tìm hiểu được biết, chủ lò muốn "cà phê" có mùi gì, vị gì cũng được. Tất cả đều có thể mua được ở chợ Kim Biên. Ghê nhất là một loại hóa chất "tạo bọt" nhìn gần giống như nước rửa chén, ly cà phê sẽ nhanh chóng nổi lên một lớp bọt hấp dẫn ngay khi người uống khuấy nhẹ muỗng.
Một người tên H., làm nghề bỏ mối cà phê cho biết: muốn chế biến cà phê bằng đậu nành hay bắp đều được. Cà phê kiểu này khi giao cho các quán giá khoảng 30.000 đồng/kg, lời gấp 5 lần so với chế biến bằng cà phê thật. Lợi nhuận quá cao nên sau 5 năm làm ăn, H. tậu một hơi 3 miếng đất, nhà, xe ô tô, xe Honda @ mà vẫn chỉ coi là... "chuyện nhỏ".
Nhiều chủ lò còn lái cả ô tô để đi giao hàng. Mỗi chủ lò loại vừa có khoảng trên một trăm quán "ruột" ở khắp địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... Nhiều chủ lò sẵn sàng đầu tư cho những quán cà phê mới mở toàn bộ đầu máy, ti vi cho đến bàn ghế. Chủ quán chỉ cần nhận hàng đều đều, đủ 500 kg cà phê thì toàn bộ những gì được đầu tư sẽ thuộc về chủ quán.