> Huyền bí hang Con Moong chốn rừng thiêng
Nhiều người coi rừng Cấm ở trung tâm huyện Si Ma Cai, Lào Cai là "linh hồn" của cao nguyên trắng bởi không chỉ trong khu rừng có nhiều loại gỗ quý như lim, nghiến, táu, sến, mật... mà còn bởi đó là hiện thân của thần rừng, thần núi cùng nhiều bí ẩn chưa hé lộ.
Khu rừng Cấm nằm trên một khu đồi rộng chừng 3ha ở trung tâm huyện Si Ma Cai, cách TP Lào Cai gần 100 km. Mặc dù nằm ở khu đông dân cư nhưng rừng cấm Si Ma Cai vẫn giữ được vẻ nguyên sơ như cái thuở hồng hoang sinh non đẻ nước.
Anh Ngải Seo Dìn, Trưởng thôn Phố Cũ, huyện Si Ma Cai vừa đi, anh vừa nhẹ nhàng gạt từng cành cây, ngọn cỏ ra một bên mới đưa bước chân đi, anh bảo: "Không ai được phép bẻ, hái hay chặt cây rừng dù chỉ là một cành cây, ngọn cỏ. Vì đây là khu rừng lớn nhất trong huyện, là nơi thờ thần rừng, thần núi. Nếu chặt cây, bẻ cành sẽ bị thần rừng, thần núi trừng phạt đến nỗi cơm không có mà ăn, nước không có mà uống, con nai rừng trốn đi, con lợn rừng đào hố chui vào hang, dân làng sẽ chết đói. Vì thế, người dân phải bảo vệ khu rừng, không để người hay trâu, bò tàn phá".
Anh Dìn cho biết: "Người dân thôn Phố Cũ đã đề ra hương ước làng trong đó quy định cụ thể việc xử phạt người đột nhập, vi phạm rừng cấm. Vì xung quanh rừng Cấm là chợ - nơi thường tụ tập đông người, an ninh phức tạp nên mỗi người dân trong thôn Phố Cũ đều là một người bảo vệ. Mỗi khi thấy người lạ đột nhập vào rừng người dân phải báo ngay cho chính quyền để ngăn chặn, đồng thời huy động bà con xung quanh theo dõi. Nếu thấy chặt, phá thì vây hãm bắt ngay.
Nếu người vi phạm ở trong thôn, xã thì phải chịu phạt theo quy định trong hương ước làng. Trường hợp nhẹ nhất là phải chịu một cái lễ tạ tội cúng rừng. Lễ cúng này phải có một con lợn, bò, gà... sau đó tất cả người dân trong thôn tụ tập đến khu rừng để ăn lễ tạ tội của người vi phạm. Một số trường hợp khác thì căn cứ vào giá trị của cây rừng mà phạt, mức phạt sẽ cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của cây rừng". Chính vì thế mà từ hàng trăm năm nay, người dân thôn Phố Cũ luôn bảo vệ khu rừng rất cẩn mật.
Anh Dìn đến một gốc đa cổ thụ nằm giữa rừng cấm và cho biết gốc đa là linh hồn của khu rừng, là nơi người dân đặt lễ cúng thần rừng, thần núi vào tháng giêng hằng năm để cầu mong mưa thuận, gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, con lợn rừng về nhiều, con nai rừng không đi biệt tích.
Anh Dìn cho biết thêm, trước đây, trong rừng có hơn chục tượng chó đá, mỗi tượng cao khoảng 40 cm đặt rải rác trên nền đất quay mặt về nhiều hướng khác nhau. Không ai biết tượng chó đá có ở rừng Cấm từ bao giờ, tương truyền, những tượng chó đá có trong rừng là để bảo vệ thần rừng, thần núi khỏi bàn tay phá hoại của lâm tặc, trừ khử giặc cướp...
Hiện nay những tượng chó đá không còn nữa, có lẽ do lá cây rừng rơi nhiều nên đã vùi lấp những bức tượng kỳ lạ hoặc do có người đến đem đi nơi khác, thế nhưng mỗi lần làm lễ cũng rừng, người dân đều có nhắc đến thần khuyển như một biểu tượng của sức mạnh bảo vệ rừng của người dân Si Ma Cai.
Theo ông Ngải Văn Dua, một người dân xã Si Ma Cai thì cách đây gần 10 năm, có một đôi trai gái dẫn nhau vào rừng Cấm làm chuyện bậy bạ. Ngay sau đó, người đàn ông bị ốm liệt giường đến một tháng, người đàn bà thì bị nổi mụn ngứa khắp người. Đôi trai gái này được gia đình đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng không khỏi. Về sau, họ phải làm thịt một con lợn, 10 con gà cùng với gạo nếp đem đến rừng Cấm để cúng tạ lỗi với thần rừng, thần núi, thần khuyển và xin cây thuốc trong rừng về uống. Sau đó vài ngày thì cả hai khỏi bệnh.
Một trường hợp khác là ông Giàng Seo Hiển, người trong xã Si Ma Cai. Năm ngoái, ông Hiển đi chợ phiên Si Ma Cai uống rượu với bạn bè say sỉn liền nhảy tót vào rừng Cấm tè bậy. Đêm hôm đó, ông Hiển nổi điên, kêu la, chửi bới hàng xóm, ăn nói làm nhảm. Những ngày sau đó có người còn trông thấy ông chạy lông nhông quanh mấy quả núi vừa chạy vừa gào thét điều gì đó mà không ai hiểu được.
Do quá lo lắng, gia đình ông phải huy động con cháu trong nhà trói lại và đem đi bệnh viện chữa bệnh, thế nhưng sau gần một năm đi thành phố chữa bệnh mà bệnh của ông không những không giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Gia đình ông Hiển lại tiếp tục đưa ông xuống Hà Nội chữa bệnh, nhưng tình hình vẫn không khả quan.
Trong lúc gia đình ông Hiển đang hoang mang lo lắng thì có người đến mách rằng ông Hiển đã vi phạm rừng Cấm nên mới bị nổi điên. Ngay sau đó, gia đình ông đã mổ một con lợn, 10 con gà và 10 cân gạo nếp đến rừng để cúng. Sau đó một tuần ông Hiển khỏi bệnh.
Ông Ngải Seo Dìn cho rằng. Có thể đó chỉ là trường hợp ngẫu nhiên, trùng hợp và nhiều người tin là thần rừng, thần núi có thật. Nhưng cũng chính điều này đã giúp cho những khu rừng ở Si Ma Cai tồn tại qua suốt nhiều thế kỷ mà không bị chặt phá, xâm phạm.
Anh Đặng Văn Việt (Phó phòng Văn hóa huyện Si Ma Cai) cho biết: "Rừng Cấm Si Ma Cai được người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt. Hằng năm, người dân trong và ngoài huyện tập trung về đây để cúng thần rừng, thần núi cầu mong cuộc sống yên bình, mùa màng bội thu. Đây không chỉ nét đẹp văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số trong huyện mà còn giúp bảo vệ rừng tốt hơn, giúp điều hòa khí hậu và đem lại cuộc sống ấm no cho bà con dân tộc vùng cao Si Ma Cai".
Theo Kiến Thức