Ông Kiêm nói:
Tôi cho rằng, việc thành lập một ủy ban giám sát độc lập về giá trong lúc này là cần thiết. Một số nước, người ta đã làm rồi và rất thành công, ví như Nhật Bản đã có Ủy ban này. Các cơ quan như vậy đã làm rất tốt chức năng giám sát về giá.
Ở Việt Nam hiện khả năng kiểm soát, quản lý của các bộ chuyên ngành đang bộc lộ nhiều vấn đề: như tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, mất tính độc lập trong giám sát, tính khách quan không có...?
Theo tôi, việc thành lập một Ủy ban như vậy là cần thiết và cần phải làm ngay.
Cơ quan giám sát giá phải có tính độc lập
Để thành lập một cơ quan giám sát về giá như vậy, cần lưu ý những vấn đề gì - nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bị mất tính độc lập, khách quan, không thể phát huy tác dụng?
Đề xuất thành lập một cơ quan giám sát độc lập về giá là rất đúng và bây giờ là thời điểm chín muồi rồi, bởi những vấn đề đặt ra lúc này là rất cấp bách. Ở nước ngoài, những cơ quan như thế đều phải độc lập, không dính dáng gì đến điều hành của Chính phủ
Có hai việc rất quan trọng chúng ta phải lưu ý.
Thứ nhất, phải có cơ chế để hoạt động như thế nào cho hiệu quả, thực chất.
Đặc biệt, nó phải là một cơ quan hoàn toàn độc lập - tức không thuộc nhánh các cơ quan điều hành, mà phải thuộc các cơ quan giám sát.
Cơ quan này dứt khoát phải nằm ngoài sự điều hành của Chính phủ. Thứ hai, thành phần tham gia phải gồm những người có trình độ, khả năng điều hành, quản lý tốt.
Tóm lại, cơ quan này cần phải không dính dáng gì tới việc điều hành, kể cả có quan hệ gì đó đối với với các bộ, ngành liên quan. Chỉ khi giải quyết tới hai vấn đề này chúng ta mới chắc chắn thành công.
Vậy theo ông, trong tình hình cụ thể của Việt Nam hiện nay, nên đặt cơ quan giám sát, quản lý giá này ở đâu?
Một cơ quan như thế, nên đặt tại Quốc hội, hay một cơ quan độc lập nào đó thì mới có khả năng tham góp ý kiến, chỉ đạo và xử lý những vấn đề đang đặt ra.
Nhưng tôi cho rằng, cơ quan này nên đặt ở Quốc hội là tốt nhất. Vị trí vai trò của nó, cũng có thể so sánh như Kiểm toán nhà nước - tức là vị trí về tính độc lập.
Ngăn lợi ích nhóm
Có ý kiến để xảy ra tình trạng giá cả lộn xộn, bất thường như hiện nay, có phần do buông lỏng quản lý, nhưng cái gốc vẫn còn độc quyền, lợi ích nhóm…?
Trước hết có 3 nguyên nhân dẫn đến thực trạng điều hành giá cả hiện nay. Một là cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm. Hai là, chế tài của chúng ta đối với vấn đề này còn yếu.
Chế tài, bao gồm cả những quy định, điều kiện quản lý và chế tài về xử lý vi phạm. Bây giờ để tăng giá tràn lan, để tình trạng “té nước theo mưa” thế này mà không có xử lý gì, không có chế tài gì thì người này làm được người kia cũng làm được dẫn đến sự hỗn loạn.
Ba là cơ chế chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý có vấn đề. Giao cho Bộ Tài chính, Công Thương hay bộ nào đó quản lý về giá, nhưng có thể có tình trạng cục bộ, thiếu thống nhất, thiếu khách quan bởi các cơ quan này vừa quản lý ngành đó lại vừa giám sát thì không thể nào khách quan được.
Vậy trách nhiệm của cán bộ ở đâu?
Trách nhiệm tất nhiên thuộc các bộ quản lý. Các bộ không thể thoái thác trách nhiệm của mình được.
Còn độc quyền thì còn nhiều vấn đề. Độc quyền mà cơ quan quản lý không độc lập, không tách ra mà dính vào thì tất nhiên sẽ có rắc rối, ít nhất là có sự bảo vệ lẫn nhau; và cái thứ hai là còn có lợi ích nhóm ở đây, để xóa bỏ vấn đề này lại không hề đơn giản.
Cảm ơn ông.
Quốc hội phải tổ chức giám sát giá
|
TS.Trần Du Lịch. |
Trao đổi với Tiền Phong, TS.Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng phải tổ chức giám sát giá, nhất là những mặt hàng Nhà nước độc quyền.
Thưa ông, việc tăng giá xăng dầu cũng như nhiều mặt hàng khác thời gian qua chủ yếu các bộ ngành dựa trên cơ sở đề xuất của các DN chứ chưa có một đơn vị độc lập nào đánh giá, thẩm định vấn đề này. Theo ông, có cần phải thành lập một ủy ban thuộc Quốc hội để độc lập giám sát vấn đề này?
Tôi cho rằng không cần ủy ban gì cả. Quốc hội vừa ban hành Luật Giá, nếu các cơ quan quản lý nhà nước làm hết trách nhiệm là được, không nên đẻ ra đủ thứ cơ quan nữa, vì bộ máy quản lý đã quá nhiều rồi, chỉ cần làm hết trách nhiệm thôi.
Các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Ủy ban Kinh tế cũng có quyền giám sát. Nếu thấy không hợp lý, các ủy ban có quyền thực hiện quyền giám sát và yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước báo cáo giải trình, điều trần…
Theo đánh giá của ông, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã làm tốt trách nhiệm quản lý giá của mình hay chưa?
Chúng ta quản lý theo thị trường, nhưng hiện nay còn một số lĩnh vực độc quyền hoàn toàn hoặc một phần độc quyền thì Nhà nước phải can thiệp. Quản lý giá cả trong điều kiện chưa phải cạnh tranh hoàn toàn thì không phải dễ, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ ngồi duyệt giá nọ, duyệt giá kia.
Theo ông, công tác giám sát của Quốc hội đã làm tốt chưa?
Lâu nay chưa làm việc này, nhưng tôi cho rằng trong tương lai phải tổ chức giám sát, nhất là những mặt hàng độc quyền. Và tôi tin rằng, sau khi Luật Giá có hiệu lực rồi thì phải tổ chức giám sát.
Đại Dương