Không thể bỏ qua chuyện nợ triệu tỷ

TP - Báo cáo mới nhất của Chính phủ về việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế cho thấy, đến nay có 23/52 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TCT) xây dựng đề án tái cơ cấu trình bộ chuyên ngành và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ ra sao lại ít được đề cập...
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 Ảnh: Xuân Phú

> Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu EVN: Thoái vốn tại 6 DN
> Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng tuần qua
> PVN phải tập trung vào 5 lĩnh vực chính

Truy trách nhiệm nợ nần

Báo cáo mới nhất cuat Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước lên tới 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010.

Hệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Đáng lưu ý, một số tập đoàn, TCT có nợ quá hạn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng (nợ của công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất – nhận bàn giao từ Vinashin);

Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam nợ quá hạn 467 tỷ đồng, Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 8 nợ quá hạn 128 tỷ đồng, còn Tổng Cty Rau Quả nông sản nợ quá hạn 30 tỷ đồng...

Tuy nhiên, trong đề án tái cơ cấu, vấn đề xử lý nợ lại không được đề cập một cách thấu đáo. Theo các chuyên gia, nếu không xử lý được vấn đề nợ nần, việc tái cơ cấu sẽ lại đi vào ngõ cụt.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, nợ nần lớn là do sự thiếu giám sát của các cấp lãnh đạo.

Việc tái cấu trúc các khoản nợ, phương cách hoạt động kinh doanh, đầu tư của các tập đoàn, TCT cần đẩy nhanh hơn nữa, không để kéo dài tình trạng “ung thư khó chữa”. Nếu tiếp tục để tình trạng, Chính phủ, bộ ngành phải đứng ra trả nợ thay cho các dự án đầu tư không hiệu quả như thời gian qua là việc rất nguy hiểm.

“Với những tập đoàn, TCT thua lỗ có liên quan đến các hoạt động công ích, bị lỗ do chính sách thì có thể xem xét trong một số trường hợp, còn lại thì phải xử lý ngay, truy rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các đơn vị làm ăn thua lỗ, không hiệu quả”-ông Thành nói.

Ưu tiên tái cấu trúc nợ

Ở góc độ quản trị doanh nghiệp, TS Lê Đăng Doanh cho biết, theo báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình tài chính, có 8 tập đoàn, TCT có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trên 10 lần.

Với tỷ lệ vốn cõng nợ như vậy đồng nghĩa với việc phải ưu tiên tái cấu trúc nợ của các tập đoàn, TCT và là vấn đề mà phương án tái cấu trúc đưa ra thời gian qua chưa đề cập đến.

Theo TS Doanh, việc tái cấu trúc phải làm rõ được vì sao phát sinh ra những khoản nợ lớn thế, ai đã cấp tín dụng cho các tập đoàn, TCT để dẫn đến việc họ nợ đầm đìa như vậy.

Khía cạnh nữa cần làm sáng tỏ trong quá trình tái cấu trúc là việc thực hiện minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình đến đâu. Nếu không thay đổi các quy định hiện nay mà tiếp tục đổ thêm vốn vào các “núi nợ“ không khác gì thổi “gió vào nhà trống“.

“Tôi thấy những đề án tái cấu trúc DNNN mới chỉ nói đến cổ phần hóa chỗ này, lập lại chỗ kia. Đây mới chỉ là các vấn đề kỹ thuật chứ không phải là vấn đề cốt yếu để tái cấu trúc thành công. Muôn tái cấu trúc thành công thì phải xử lý rốt ráo được chuyện nợ nần. Các tổ chức quốc tế đều khẳng định thời gian trì hoãn tái cơ cấu không còn nữa. Phải hành động ngay”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, muốn tái cấu trúc các khoản nợ, phải có hệ thống quan điểm về tái cấu trúc, có vốn bắc cầu và có cơ chế thực hiện như công ty mua bán nợ. Nếu không có ba yếu tố này, việc xử lý nợ và tái cấu trúc sẽ không thực hiện được.

Đặc biệt, không thể tái cấu trúc các tập đoàn, TCT nếu không giải quyết được núi nợ hiện nay.

“Với núi nợ khổng lồ của các tập đoàn, TCT như vậy thì việc bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp sẽ được xử lý thế nào. Cần tính đến cả việc tái cấu trúc lại các ngân hàng quốc doanh đang là chủ nợ của nhiều tập đoàn, TCT có nợ lớn. Không thể để các ngân hàng này vô can được”- ông Doanh nói.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội, nợ xấu hiện liên quan chủ yếu đến các tập đoàn, TCT nhà nước.

Việc khó làm hiện nay là làm sao để tái cấu trúc hiệu quả trong khi giảm tối đa tổn thất cho nguồn tiền của nhà nước, xử lý được các nhóm lợi ích gây méo mó các dòng tiền. Với thị trường Việt Nam, do thị trường nợ chưa phát triển nên cần có những cách chơi riêng và điều này liên quan đến cách điều hành minh bạch.

“Nhật Bản đã từng đưa vào áp dụng luật về hỗ trợ nợ xấu để thực hiện tái cấu trúc ngân hàng và khối doanh nghiệp. Người Nhật đã mất rất nhiều, trải qua một thời gian đau đớn cũng như phải chấp nhận mất đi vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện tái cơ cấu. Để tái cấu trúc hiệu quả, cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm, nguồn vốn từ đâu, ai đóng góp, đóng góp thế nào và cách thức tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu ra sao”- ông nói.

Đau đầu nợ khó đòi

Báo cáo hợp nhất của Chính phủ về tình hình kinh doanh của một số tập đoàn, TCT cho thấy nhiều đơn vị đáng báo động về mức nợ khó đòi.

Dẫn đầu trong số các đơn vị có nợ phải thu khó đòi trên 100 tỷ đồng là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (408 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (353 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (251 tỷ đồng);

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (231 tỷ đồng); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (188 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (133 tỷ đồng); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (136 tỷ đồng); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (115 tỷ đồng)…

Theo Báo giấy