Không phải cái gì cũng tự làm được

TP - Nhân dịp Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo Đề án phát triển thiết bị dạy học tự làm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, không phải thiết bị thí nghiệm nào cũng tự làm được.

>> Giáo viên mầm non phải bỏ tiền làm thiết bị dạy học

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải không chỉ được gọi là ông Khải ozone mà còn được biết đến như một ông giáo tận tụy, lặn lội ngược xuôi, với những vỏ lon Coca - cola hay một chiếc vỏ chai Lavie, đến với học sinh mọi miền, hướng dẫn thí nghiệm.

Là người hay đi, thường tới các trường học từ trong Nam đến ngoài Bắc để hướng dẫn các học trò làm thí nghiệm, ông có nhận xét gì về tình hình sử dụng thiết bị dạy học ở Việt Nam?

Từ 2001 đến nay, chỉ riêng tiền nhà nước, khoảng 9.000 tỷ đồng chi cho thiết bị thí nghiệm của các nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, rất đáng buồn là có những lớp học từ đầu năm đến giờ chưa hề làm thí nghiệm vì nhiều lý do như một số đồ dùng thí nghiệm không thể làm được, một số đồ thí nghiệm chưa làm đã hỏng, và hầu hết thí nghiệm không đạt được kết quả tốt, không thuyết phục học sinh.

Để tránh cảnh đi đêm hoặc tiêu tiền một cách vô ích và lãng phí, Bộ nên phát động một cuộc thi làm thiết bị công khai trên mạng edu.net với yêu cầu là vật liệu dễ kiếm ở địa phương…

Trong lúc có những thí nghiệm từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng hỏng thì có những thí nghiệm chỉ mất năm, bảy nghìn đồng không được làm. Điều đó thể hiện ở việc có những giáo viên không biết làm thí nghiệm; có giáo viên không nắm được kiến thức của bài học; vì làm ẩu thí nghiệm nên không đạt kết quả.

Nhưng tệ nhất vẫn là việc người ta cố làm ra thiết bị hỏng cũng bán được. Chưa kể đến việc sách giáo khoa (SGK) có những thí nghiệm thầy giáo không làm được, học sinh không làm được.

Ví dụ, ngay bài đầu tiên trong SGK vật lý lớp 9, không ai có thể làm được, do chỉ cho điều kiện có một điện trở, một nguồn điện một chiều. Muốn thay đổi hiệu điện thế hai đầu điện trở thì phải có biến trở nhưng SGK Việt Nam không có.

Tôi vừa đến một đội tuyển học sinh giỏi đưa ra vài vật dụng thí nghiệm, hỏi, trò không trả lời được, người hướng dẫn cũng không. Thí nghiệm phải là cái mà thầy làm được, trò làm được và phải hiểu bản chất của vấn đề.

Thế nên, mới có cảnh tượng đáng buồn như tôi đã chứng kiến: chỉ một cử nhân được tuyển dụng trong số 129 người đến dự tuyển vào làm cho doanh nghiệp (trong đó có 3/4 không nói đúng được tên luận văn tốt nghiệp là gì) nhưng cuối cùng người duy nhất kia cũng đi học thêm cao học. Điều đó cho thấy thực hành của ta vô cùng khiếm khuyết.

Như vậy việc ngành GD&ĐT đưa ra đề án phát triển thiết bị dạy học tự làm có thể giúp giải quyết vấn đề?

Vấn đề là Bộ giao công việc quan trọng này cho ai hay lại giao cho những người không bao giờ làm thí nghiệm hoặc làm thí nghiệm là hỏng. Như thế, khác nào ném tiền ra gió. Thiết bị dạy học không phải ai cũng làm được và cái gì cũng tự làm. Nó đòi hỏi tính khoa học cơ bản, tính logic của các bài trong một chương trình, tính thẩm mỹ và là kinh tế…

Hiện nay, có những cái tủ làm bàn cấy mô người ta chỉ làm mất 300.000 đồng nhưng được đem bán với giá 12 triệu đồng cho các trường; có những thiết bị thí nghiệm bị thổi giá lên 10 đến 15 lần.

Ông có thể đưa ra đề xuất gì?

Đầu tiên phải quyết định xem cái gì tự làm và cái gì không tự làm. Nếu chỉ làm thí nghiệm minh họa để học sinh hiểu bản chất thì thí nghiệm chỉ cần làm ở mức đơn giản và tốt nhất là để các học sinh tham gia tự làm hoặc phát động giáo viên tự làm. Nhưng với những thí nghiệm cần thiết bị đẹp và chính xác mà để thầy trò tự làm, nhiều khi là sẽ phản sư phạm.

Cảm ơn ông.

H.T thực hiện