Không có 'điểm lùi' thực hiện nhiệm vụ BHXH, BHYT năm 2023

Sáng 2/10, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháng 10/2023, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và các tháng còn lại của năm 2023.

Linh hoạt và sáng tạo từ địa phương

BHXH Việt Nam cho biết, tới hết tháng 9 vừa qua, cả nước có hơn 17,3 triệu người tham gia BHXH, đạt 92% kế hoạch năm, tỷ lệ bao phủ hơn 37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT đạt hơn 91 triệu người, đạt 98% kế hoạch và tỷ lệ bao phủ hơn 92% dân số.

Đạt kết quả trên, dù bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, mỗi địa phương đều linh hoạt phát huy cao nhất lợi thế trên địa bàn để mở rộng tỷ lệ bao phủ người tham gia BHXH, BHYT. Điển hình tại TPHCM, dù số lao động chính thức giảm sâu (giảm khoảng 288.000 lao động), BHXH địa phương đã có nhiều giải pháp để tăng số người tham gia BHXH, như: Rà soát từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; thực hiện thanh kiểm tra để khai thác số lao động đang làm việc trong các DN tham gia BHXH theo đúng luật định. Theo đánh giá của BHXH TPHCM, mặc dù số người tham gia tăng lên chưa đuổi kịp số giảm so từ thời điểm cuối năm 2022, nhưng công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

BHXH Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu của năm 2023.

Đại diện BHXH TP.Hà Nội cũng cho biết, sau đợt suy giảm đầu năm 2023, từ tháng 7, các chỉ tiêu người tham gia BHXH, BHYT của Hà Nội tăng nhanh trở lại. Kiên định thực hiện các chỉ tiêu được giao từ đầu năm, BHXH TP.Hà Nội đã đề xuất Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thành phố có chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của mình; tổ chức các Hội nghị Ban Chỉ đạo để phân tích các hạn chế, tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ...

Tại Bình Dương, số lao động giảm mạnh (120.000 người), nhất là với ngành gỗ, may mặc, giày da... Từ quý II/2023, số người gia nhập hệ thống BHXH tại địa phương này cũng tăng lên. Kết quả này có được là nhờ một loạt giải pháp được BHXH tỉnh Bình Dương xây dựng trong kịch bản khai thác dữ liệu liên thông với ngành Thuế, KH-ĐT, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra...

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đánh giá, dù kinh tế đang khởi sắc, một số ngành như dệt may có nhiều đơn hàng thu hút lao động trở lại làm việc, nhưng nguồn lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn khó khăn so với chỉ tiêu đặt ra. Do đó, để đạt được chỉ tiêu cao hơn, BHXH các địa phương cần có giải pháp hiệu quả và tích cực hơn nữa. Theo đó, trước hết, cơ quan BHXH tại địa phương phải bám sát, phát huy hiệu quả hệ thống các Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã thành lập.

"Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, việc phát triển người tham gia còn gặp khó khăn do công tác phối hợp chưa đồng bộ. Do đó, yêu cầu BHXH các địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa các hướng dẫn của BHXH Việt Nam tới các cơ quan, tổ chức tại địa phương, từ UBND các cấp, đến sở ngành, tổ chức dịch vụ thu”, ông Hào lưu ý.

Với nhóm BHXH bắt buộc, theo ông Hào, cần sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu từ cơ quan Thuế, đặc biệt khi BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã thống nhất 2 nội dung phối hợp nâng cao gồm: Chia sẻ dữ liệu theo tháng; chia sẻ kết quả thanh tra, kiểm tra của hai bên.

Kiên định các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Theo số liệu tổng hợp của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH, BHYT gia tăng trong tháng 9/2023 và so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch năm 2023, trong 3 tháng cuối năm, toàn quốc cần phát triển thêm trên 1,4 triệu người tham gia BHXH.

Chỉ đạo về thực hiện chính sách BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa cho hay, theo quy định, quỹ khám chữa bệnh BHYT từ số thực đóng năm 2023 là 118.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, số chi quỹ BHYT năm nay có thể vượt số thu trên 11.750 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhiều địa phương đã sử dụng quá 75% dự toán năm, có nguy cơ bội chi trong cả năm 2023. Do đó, ông Hoà yêu cầu BHXH các địa phương phải chủ động rà soát giải pháp kiểm soát chi theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; tổ chức làm việc với từng cơ sở y tế để có cam kết điều chỉnh phù hợp...

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành, và khảng định việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Trong 3 tháng cuối năm, ông Mạnh yêu cầu toàn ngành bám sát hệ thống văn bản pháp luật và các chỉ đạo liên quan, nhận diện và đưa ra kịch bản điều hành phù hợp với thực tế; làm tốt công tác thanh kiểm tra, liên thông dữ liệu để phát triển người tham gia BHXH; cũng như giải quyết hiệu quả các chế độ BHXH, BHYT...

“Mục tiêu của ngành năm nay sẽ phải đạt trên 93% dân số tham gia BHYT. Công tác giám định chi phí KCB BHYT phải tận dụng hết tài nguyên, từ kết quả giám định, cảnh báo, kiểm tra, giám sát cho đến cách làm hay, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả quỹ. Công tác truyền thông cần phát huy kết quả tích cực đạt được như hình thành thói quen tham gia BHYT của người dân, triển khai truyền thông phải linh hoạt và gắn với kết quả cụ thể”, Mạnh lưu ý thêm.