Không chạy theo diện tích

TP - Đó là chỉ đạo xuyêt suốt của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đối với phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau những khó khăn ban đầu, những giống cao su chịu lạnh đang đứng vững trên vùng đất này.

Sinh trưởng tốt trên vùng phi truyền thống

Trồng được cây cao su sinh trưởng tốt tại vùng đất khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc, quả là kỳ công. Đó là cảm nhận và đánh giá chung của nhiều người khi tận mắt chứng kiến kết quả đạt được đến nay của chương trình phát triển cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại khu vực này.

Tại Điện Biên, đối lập với những ngọn đồi trơ trọc, xác xơ là các quả đồi cao su 4 - 5 năm tuổi xanh ngút. Trong đó có diện tích dù được trồng ở những độ cao trên 700m, với các giống chịu lạnh kém như PB 260, nhưng vẫn “sống tốt” sau những đợt rét đậm rét hại lịch sử năm 2010, 2011.

Tại Đội 15 (Mường Chà), trong sương mai mờ ảo rất thơ, là cảnh bà con đồng bào dân tộc hăng say dãy cỏ lô. Khung cảnh đó chỉ có từ khi Công ty cổ phần cao su Điện Biên triển khai dự án trồng cao su tại đây.

Nhờ tham gia làm cao su, người dân địa phương có việc làm ổn định, theo tác phong của một công nhân, tiền lương tháng hơn 2 triệu đồng, sắm được điện thoại di động “a lô” ngay trên lô… Còn ở Đội 1 Mường Pồn, hơn 400 ha cao su trồng năm 2008 - 2009 hiện đã có 75% diện tích đạt vanh thân từ 45 cm đến 50 cm - vượt so với quy chuẩn cao su Tây Bắc. Năm 2014, Công ty cổ phần cao su Điện Biên sẽ xây dựng nhà máy chế biến mủ, chuẩn bị đón dòng mủ đầu tiên vào năm 2015.

Tại Lai Châu, cây cao su “bén duyên” với tỉnh này cũng mới được 5 năm, nhưng đang “sinh sôi nảy nở” đầy hứa hẹn. Người dân và chính quyền tỉnh tin vào cây cao su, tin vào doanh nghiệp của VRG đã “dũng cảm” đến đầu tư trồng cây cao su một cách nghiêm túc, bài bản, lâu dài.

Trước cao su, tỉnh đã từng dồn sức vào “quả đấm thép” với cây mắc-ca, cây trẩu… Nhưng rốt cuộc đó là những “quả đấm hụt”, để lại bao ngờ vực, thất vọng. Sau những cuộc “hôn nhân” thất bại, như chim sợ cành cong, cũng dễ hiểu khi buổi ban đầu, chính quyền và người dân ở Lai Châu tỏ ra hoài nghi với tính khả thi của cây cao su.

Thấm thoát 5 năm, giờ đây trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thành lập 3 công ty cao su và tỉnh đang đề nghị VRG tiếp tục thành lập thêm một công ty nữa để đầu tư trồng cao su ở Mường Tè. Với hơn 11.000 ha cao su, Lai Châu đã trở thành “thủ phủ cây cao su” ở Tây Bắc.

“Làm nông nghiệp thì phải chấp nhận rủi ro, không thể tránh khỏi thiên tai. Có làm tất có lúc thiệt hại, nhưng không làm thì thất bại hoàn toàn” - ông Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định.

Chậm mà chắc

Phó Tổng giám đốc VRG- Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phát triển cao su khu vực miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Hồng Phú khẳng định, đến hết năm 2013 đã có gần 25.000 ha cao su được trồng tại khu vực này. Nhiều diện tích đạt và vượt quy trình kỹ thuật.

Tuy nhiên, các công ty cần phải tiếp tục chú trọng đến quản lý chất lượng vườn cây, không chạy theo diện tích. Đặc biệt phải đảm bảo cơ cấu giống theo quy định. Công tác quy hoạch chọn đất thích hợp, đảm bảo các điều kiện cơ bản về độ cao và độ dốc.

Là một cây trồng mới và là cây dài ngày, cây cao su chưa thể đem lại “quả ngọt” được ngay. Thậm chí, sau đợt rét lịch sử năm 2010- 2011, cây cao su còn bị hồ nghi về tính khả thi. Nhưng nhìn qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc liền kề, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương tự Lai Châu và Lào Cai, họ vẫn trồng cao su hiệu quả hàng chục năm nay.

Tại sao họ làm được mà chúng ta lại bó tay? Kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc không thể ngoi lên được nếu những đồi núi trọc trùng điệp vẫn cứ “đứng hình” năm nay qua năm khác. Không thể mãi ngồi bàn, chính quyền, người dân và VRG vẫn tin, vẫn quyết tâm trồng cây cao su theo phương châm “chậm mà chắc”.

Gần 25.000 ha cao su đã trồng tại khu vực này đến nay đều đang sinh trưởng tốt. Giá trị kinh tế còn phải chờ khi cây cho mủ, nhưng giá trị về an sinh xã hội thì đã rất rõ. Có dự án trồng cao su, người dân có việc làm. Những người nông dân quen tập quán canh tác lạc hậu, du canh du cư ngày nào, nay đã trở thành những công nhân khoác lên mình bộ đồ bảo hộ lao động của một người công nhân, tháng lĩnh 2-3 triệu tiền lương. Nơi nào có dự án cao su thì nơi đó hình thành hệ thống điện - đường - trường - trạm.

Mặc dù suất đầu tư cao, hiệu quả cần chờ thêm thời gian nhưng rõ ràng phát triển cây cao su tại miền núi phía Bắc là cần thiết, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

Theo Báo giấy