Bệnh nhân cho biết tình trạng u mỡ xuất hiện cách đây 10 năm. Ba năm nay khối u có dấu hiệu phát triển nhanh. Qua thăm khám còn phát hiện các biến dạng cơ thể kiểu cushing béo mặt, tay chân, rạn da bụng, rậm lông tóc, bụng mỡ, cơ lực giảm. Trên hình ảnh siêu âm u mỡ kích thước lớn, dày khoảng 10cm.
Chụp cắt lớp cho thấy khối tỉ trọng mỡ rất lớn, to ở vùng từ sau gáy bệnh nhân kéo dài đến hết cơ vùng thắt lưng, vị trí lớn nhất của khối u là vùng sau gáy, kích thước lớn khoảng 35cmx13cm. Khối u không ngấm thuốc sau tiêm, trong khối u có mạch máu nhỏ.
Bác sĩ kết luận khối u mỡ xâm chiếm toàn bộ vùng gáy, vai, lưng kèm sỏi niệu quản, mỡ máu, suy thượng thận, gút, viêm khớp, loãng xương tự phát có kèm gãy xương bệnh lí, đái tháo đường type 2 không phụ thuộc insulin, tăng lippid máu hỗn hợp. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và xin ý kiến của PGS.TS. Trần Ngọc Lương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương để thống nhất chỉ định cắt khối u mỡ vùng gáy cho người bệnh.
Do khối u lớn, diện phẫu thuật rất rộng nên phẫu thuật viên phải thao tác khéo léo, chính xác trong quá trình phẫu thuật bóc tách khối u, kiểm soát tốt nguy cơ biến chứng chảy máu, tránh tổn thương vào các mạch máu lớn và dây thần kinh vùng gáy.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 1 giờ đồng hồ do PGS.TS. Trần Ngọc Lương thực hiện đã thành công cắt bỏ khối u mỡ kích thước lớn với trọng lượng lớn. Hiện tại, bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu tích cực, sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Phạm Bá Tuân, Phó khoa Ngoại chung (Bệnh viện Nội tiết Trung ương): “Trong một vài trường hợp, u mỡ cần được phẫu thuật. Người bệnh cần đến bệnh viện để làm sinh thiết và các xét nghiệm cần thiết, từ đó, xác định u mỡ lành tính hay u ác tính. Nếu u mỡ to, có tính chất bất thường hoặc nằm dưới sâu hơn mô mỡ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phương pháp như sinh thiết mẫu, siêu âm hoặc các chẩn đoán hình ảnh khác như MRI hoặc CT scan để tránh nhầm lẫn với ung thư tế bào mỡ”.
Trong các trường hợp sau, người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật:
Các khối u gây đau đớn nếu chúng đè lên dây thần kinh hoặc nếu chúng có nhiều mạch máu bên trong; phần da phủ lên u mỡ bị viêm; khối u phát triển nhanh hoặc lớn hơn 5cm gây khó khăn trong sinh hoạt hoặc ảnh hưởng tới thẩm mĩ.
“Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ u mỡ là một can thiệp nhỏ, đơn giản, thường chỉ cần gây tê tại chỗ, được chỉ định đối với những u mỡ có đường kính dưới 3cm, những u mỡ ở sâu hoặc có lẫn nhiều thành phần xơ. Phương pháp này giúp u ít tái phát lại, nhưng để lại sẹo cho cơ thể”, bác sĩ Tuân chia sẻ.
Sau khi mổ u mỡ, người bệnh không cần phải ăn kiêng, nhưng cần vệ sinh sạch sẽ vết thương để tránh nhiễm trùng. Người bệnh nên chú ý thay băng khi bẩn, vệ sinh sạch sẽ vết thương và sau 7 - 14 ngày mổ cần đi tái khám để tránh biến chứng.
Qua trường hợp bệnh nhân Ng.Th.H., các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo: người dân cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học, lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Khi trên cơ thể xuất hiện những khối u bất thường cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cũng nên cân nhắc kỹ để lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy, đảm bảo mang lại kết quả chính xác nhất để từ đó được điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.