Tiếp nối thành công của các sự kiện khởi nghiệp trong 7 năm qua của Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (2015 – 2022), sự kiện Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam trở thành một sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn với cộng đồng khởi nghiệp và doanh nhân sáng tạo Việt Nam. Năm 2022, Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với chủ đề: “Doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, kết nối toàn cầu – VietNam startup 4.0”.
Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia nhấn mạnh: "Một đất nước mạnh là một đất nước sản sinh ra nhiều DN mạnh. Và quá trình khởi nghiệp là một hành trình cả cuộc đời của doanh nhân, họ luôn tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực và chấp nhận rủi ro để thực hiện hóa giấc mơ khởi nghiệp tất cả vì mục tiêu tạo việc làm và sản sinh của cải xã hội. DN phải xác định đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện...".
Nhấn mạnh thêm vai trò của cộng đồng DN, doanh nhân, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu quan điểm: “Chìa khóa của sự phát triển Quốc gia ở thời điểm hiện tại nằm ở 2 cụm từ quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và khởi nghiệp sáng tạo. Đây là đôi cánh của nền kinh tế”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong cuộc cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn với cộng đồng DN. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chia sẻ về xu hướng, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định, khó khăn hiện tại của nền kinh tế Việt Nam và thế giới tuyệt nhiên không phải một cuộc khủng hoảng mà chỉ đơn giản là 1 tai nạn do Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine. Với tình hình chung ngân hàng ổn định, tín dụng không bị khô kiệt, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Vì vậy, DN không nên mất tinh thần kinh doanh, mất tinh thần khởi nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, khởi nghiệp sáng tạo luôn đi cùng rủi ro. Vì vậy, để hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo cần một hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh. Thực tế hiện nay chúng ta chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh làm bệ đỡ cho khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp. Trong khi cơ sở hạ tầng của nền kinh tế số còn hạn chế. Trước những bất ổn của tình hình thế giới, DN phải nâng cao năng lực nội tại để ứng phó với những vạn biến của thời cuộc, thị trường. Một trong những giải pháp quan trọng, đó là DN phải bổ sung quản trị rủi ro của DN.
Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch Đầu tư) Vũ Quốc Huy cho biết, với chủ trương, định hướng đúng đắn kịp thời của Đảng, Chính phủ Việt Nam, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các DN, doanh nhân, cộng đồng DN Việt Nam đã bước qua giai đoạn vô cùng khó khăn do đại dịch và đã có sự tăng trưởng trở lại. Môi trường kinh doanh được cải thiện, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển.
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Vừa qua, báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc). Theo đó, Việt Nam được đánh giá khá tốt ở thể chế, mức độ phát triển của thị trường mức độ hoàn thiện kinh doanh và kết quả sáng tạo.
Hiện nay, hầu hết các tập đoàn DN lớn trên thế giới đều đã có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Với nhu cầu ngày càng lớn trong các hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các DN Việt Nam.