Khó như chữa vô sinh
Theo thống kê của Bộ Y tế, số người vô sinh ở Việt Nam ở mức 8% và đang có chiều hướng gia tăng. Tuy đã áp dụng nhiều phương pháp hiện đại, nhưng tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh ở nước ta vẫn rất thấp.
Căn bệnh mang tính xã hội
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoà, 38 tuổi, ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) điều trị vô sinh ở nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Anh chị quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) xin tư vấn.
Chị cho hay: "Vợ chồng chị lập gia đình được 10 năm vẫn chưa có con. Vì không có tiền nên chỉ điều trị theo kiểu "ai mách gì làm nấy". Giờ đây, mọi khoản tiền tích cóp được cùng với các khoản vay mượn đã cạn kiệt.
Chị Hòa nghẹn ngào: "Hết năm nay mà không có con chắc phải chia tay để anh ấy tìm cơ hội mới. Mặc dù anh vẫn còn rất yêu vợ, nhưng gia đình nhà chồng o ép quá, khiến tôi cũng không thể ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân được".
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi, trực tiếp khám và tư vấn cho chị Hoà cho biết: "Trường hợp như chị Hoà khá phổ biến. Do đã nhiều tuổi, mà bệnh vô sinh của vợ chồng chị lại không rõ nguyên nhân nên rất khó khăn trong quá trình điều trị. Tỷ lệ thành công ở đối tượng này cũng thấp hơn nhiều so với những chị em ở độ tuổi dưới 35".
Không giống chị Hoà, gia đình anh Nguyễn Văn Nam, chị Nguyễn Thị Châu (Hải Dương) phải thế chấp cả “sổ đỏ” để có tiền sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chị Châu cho biết: "Sau 4 năm điều trị, giờ đây tôi đang mang thai 3 tháng. Điều trị từng ấy thời gian, qua nhiều công đoạn nên số tiền tích cóp của hai vợ chồng cùng với tiền vay mượn người thân đều hết sạch. Mới đây, vợ chồng tôi phải thế chấp cả “sổ đỏ” để trả nợ và lấy tiền điều trị tiếp".
Tuy tốn kém khá nhiều, nhưng không phải ai cũng có may mắn sinh được đứa con theo ước nguyện. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi thừa nhận: "Hiện nay đa số các ca vô sinh đều phải điều trị tự nguyện. Vì vậy nhiều gia đình phải đánh đổi cả gia tài để sinh con nhưng kết quả đôi khi không được như mong đợi. Điều đó dẫn tới tâm lý chán nản, vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến tan vỡ".
Nhiều nguyên nhân
Điều trị vô sinh không chỉ cần nhiều đến vấn đề kinh phí, mà còn cần sự kiên trì ở người bệnh. Với những cặp vợ chồng vô sinh đã lớn tuổi, điều trị vô sinh rồi mà không thành công cần áp dụng ngay các biện pháp điều trị hiện đại nhất như xin noãn, thụ tinh trong ống nghiệm.
PGS-TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Hiện trung bình mỗi ngày Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị cho 100 ca vô sinh. PGS-TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh. Trong đó nguyên nhân tắc vòi trứng dẫn đến rối loạn trong quá trình phóng noãn ở phụ nữ chiếm 50%, thiếu hụt lượng tinh trùng ở nam giới chiếm 40%, không rõ nguyên nhân gây vô sinh chiếm 20%...".
Tuy nhiên, hiện nay quá trình điều trị vô sinh gặp nhiều khó khăn, bởi có tới 20% các ca vô sinh không rõ nguyên nhân. Mặt khác, quá trình điều trị vô sinh thường kéo dài, thông thường một chu kỳ điều trị có thể lên đến vài năm. Chi phí cho một lần điều trị lại khá tốn kém, do đó không phải gia đình nào cũng kham nổi, đặc biệt là các gia đình nghèo.
Hiện nay ở Việt Nam đang điều trị vô sinh theo hai phương pháp chủ yếu: Thứ nhất là tiến hành phẫu thuật thông vòi trứng và bơm tinh trùng vào dạ con của phụ nữ trong trường hợp vòi trứng bị tắc. Nếu đã thực hiện phương pháp này mà không thành công thì cần tiếp tục chuyển qua phương pháp thứ hai là thụ tinh trong ống nghiệm.
Điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thường cho kết quả cao hơn (30-35%) so với bơm tinh trùng (15-18%). Tuy nhiên, chi phí cho mỗi lần sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm có thể rơi vào khoảng từ 40-100 triệu đồng, nhiều trường hợp chi phí cao hơn gấp nhiều lần tuỳ vào thể trạng bệnh nhân.
Theo Minh Nguyệt
Dân Việt