Báo cáo này cho biết, huy động vốn 8 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 9,1% (cùng kỳ 2016 tăng 11,4%). Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 8,7% so với cuối năm 2016, phát hành giấy tờ có giá ước tăng 18,6%.
Ở phần huy động vốn, một chi tiết được nhấn mạnh là tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 107.000 tỷ đồng sau 8 tháng. Con số này tiếp tục tăng cao so với mức 143.000 tỷ đồng ghi nhận được hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Phân tích cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên là sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, số liệu của Bộ Tài chính công bố tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2017 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng ước đạt 119.367 tỷ đồng. Nếu tính tỷ lệ theo tổng vốn mà Quốc hội giao thì mới đạt 33,4%, còn nếu tính theo số vốn Chính phủ giao hơn 309.102 tỷ đồng thì tỷ lệ là 38,6%.
“Điều này dẫn đến hệ lụy là ngân sách Nhà nước tiếp tục phải trả lãi cho các khoản vay thông qua phát hành TPCP trong nước trong khi nguồn vốn không được đầu tư vào nền kinh tế sẽ không thể hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng”, công ty chứng khoán BVSC nhận định.
Theo BVSC, lượng phát hành TPCP tăng đồng nghĩa với việc kéo nợ công tăng thêm. Do vậy, Chính phủ nên xem xét giới hạn hoặc tạm dừng phát hành thêm TPCP mới trong các tháng còn lại của năm nay.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo ngân hàng thừa nhận đây là sự bất cập trong điều tiết cung cầu về phát hành TPCP. “Nếu không dùng hết vốn lẽ ra kho bạc nên tạm dừng phát hành thêm TPCP. Việc phát hành này chỉ đạt thành công về kế hoạch nhưng việc không sử dụng gây ra sự lãng phí rất lớn khi tiền phát hành xong lại quay về ngân hàng gửi tạm trong khi đó, Chính phủ phải trả lãi”, vị này nhận định.