Những hình ảnh đẹp về đội tuyển bóng đá U23 sẽ còn được nhắc đến nhiều năm sau nữa. Đó là cuộc “tuyết chiến” trận chung kết. Đó là cầu thủ Duy Mạnh cắm cờ đỏ trên tuyết trắng, và cúi chào trong giây phút thiêng liêng. Đó là đồng đội cào tuyết, nâng niu để Quang Hải lập siêu phẩm... Đó là bầu không khí cả nước đón các chàng trai trở về!
Tinh thần chiến đấu, vẻ đẹp mà U23 cống hiến cho bóng đá châu Á, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ nước nhà, tất cả đẹp đến gần hoàn hảo.
Thế nhưng, trong chiến đấu, mọi thứ đều hướng về phía trước, đồng tâm nhất trí; nhưng ngày vinh quy bái tổ lại khiến nhiều người lo lắng về những “phút chạnh lòng”.
Hình ảnh cầu thủ Công Phượng, Phan Văn Đức bị "bỏ rơi" tại sân bay ngày trở về, khiến nhiều người đến giờ vẫn cay xè sống mũi.
Phan Văn Đức ngày trở về ôm mẹ trơ trọi giữa sân bay, trong khi đám đông đang lao về thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Quang Hải, những người hùng mới nổi. Trong phút chạnh lòng ấy mẹ Phan Văn Đức đã rơi lệ. Trên facebook của mình, Đức viết: Mẹ đừng buồn. Con chỉ cần mẹ thôi, không cần ai hết...
Công Phượng chối bỏ các âm thanh ồn ào từ bên ngoài bằng cách bịt chặt tai nghe điện thoại, lùi lại phía sau, đứng lặng lẽ ngày trở về, khiến người ta nghĩ đến những nốt trầm “xao xuyến” sau hào quang.
Các cầu thủ dự bị, những người âm thầm cống hiến trong chiến thắng, không được tung hô, hoặc bỏ quên kể cả một chốc, một lát nào đó, trong bầu không khí ổn ã- họ chắc cũng có đôi chút “xao lòng”. Đội trưởng Lương Xuân Trường, thủ lĩnh thầm lặng, thấu hiểu mọi người cả trong lối chơi trên sân cỏ lẫn ở đời thường, đã hiểu, đã đọc được cái sự chạnh lòng ấy của đồng đội, nên trấn an: Trong đội không ai là ngôi sao cả. Chúng tôi chỉ có ngôi sao duy nhất nằm bên ngực trái của mình!
Một vòng xoáy thông tin, một rừng người hâm mộ bắt đầu tấn công thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Quang Hải… Những lời mời chào, hợp đồng tiền tỷ, những cuộc tôn vinh rầm rộ, thậm chí là “rừng gái đẹp” đang bủa vây thủ môn sinh ra từ làng, từ nghèo khó. Những vòi bạch tuộc, nhìn thấy lợi lộc bắt đầu “chiến dịch” quấn chân các “ngôi sao”.
Không thể lơ là từ những dấu hiệu ấy.
Trong chiến đấu người ta có thể hy sinh mạng sống cho nhau - nhưng khi chia thưởng, tôn vinh có thể phân tâm, nảy sinh hơn thiệt vì “một miếng giữa làng”.
Một chuyện rất xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Xin nhắc lại:
Sau khi nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông, đất nước thanh bình. Để rèn luyện sức khỏe và lòng dũng cảm, nhiều nơi vẫn tổ chức cho tráng sĩ đấu với hổ. Trong một lần cha - con cùng xem đấu hổ, Trần Nhân Tông hỏi con là Thái tử Trần Thuyên (sau này là vua Trần Anh Tông): “Giết hổ và chia thịt hổ, việc nào khó hơn?”. Thái tử trả lời: “Thưa cha, giết hổ con nghĩ là khó hơn”.
Trần Nhân Tông cho con một đáp án khác: “Chia thịt hổ khó hơn”. Giết hổ tưởng khó mà dễ. Bởi, khi biết hổ dữ, mọi người đồng lòng hướng mũi tên, chĩa ngọn giáo về một hướng. Nhưng, khi chia thịt, ai cũng muốn phần hơn, dễ sinh đố kỵ, hiềm khích, thậm chí đánh nhau vì miếng thịt!
Vậy, cách nào chia thịt hổ mà không xảy ra tranh giành hơn thiệt? Trần Nhân Tông gợi ý cho con lấy “Lục hòa” trong nhà Phật mà giáo hóa nhân tâm. “Lục hòa” là gì? Đó là 6 nguyên tắc sống hòa hợp, đoàn kết trong tình thân thương đầy thánh thiện của cộng đồng. Đó là: Giới hòa đồng tu (hòa đồng trên nguyên tắc kỷ luật); Thân hòa đồng trụ (hòa đồng trên nguyên tắc hành động); Khẩu hòa vô tránh (hòa đồng trên nguyên tắc ngôn luận); Lợi hòa đồng quân (hòa đồng trên nguyên tắc quyền lợi); Ý hòa đồng duyệt (hòa đồng trên nguyên tắc ý chí); Kiến hòa đồng giải (hòa đồng trên nguyên tắc nhận thức).
Bài học “chia thịt hổ” của vị vua, vị phật Trần Nhân Tông còn mang tính thời sự nóng hổi. Nếu thiếu chữ “hòa”, đúng - sai sẽ mãi còn tranh cãi.
Sự thật, trận chung kết không phải trận chiến cuối cùng? Tôn vinh không chỉ làm một lần, một chiến dịch. Các cầu thủ hãy nhớ những vết trượt của đàn anh Quả bóng vàng Văn Quyến, Quốc Vượng cũng nảy sinh sau hào quang. Thể thao là đồng đội, chiến thắng không thuộc về ngôi sao nào cả. Các cầu thủ, và cả chúng ta phải hiểu rõ điều này. Hãy nhanh chóng đưa các cầu thủ vốn là những chàng trai mới lớn, sinh ra từ làng lấm lem bùn đất trở lại là vị trí thật của mình.
Cần khắc cốt, ghi tâm bài học mà vị Vua - Phật Trần Nhân Tông truyền lại.
Vui thế đủ rồi!