Kháng kháng sinh: “Căn bệnh” không có thuốc chữa trong tương lai

Kể từ khi những loại thuốc kháng sinh đầu tiên xuất hiện vào thập niên 1940, đã được chào đón như là “thần dược” - “phép lạ” của y học hiện đại, chữa khỏi những căn bệnh truyền nhiễm làm chết hàng triệu người mỗi năm, con người không bị tử vong bởi những nguyên nhân thông thường như viêm họng do liên cầu khuẩn, nhiễm trùng,...; khả năng gây tổn thương của những căn bệnh chủ yếu như giang mai, lậu, phong, lao đã giảm rất nhiều.

Hại con vì dùng thuốc sai cách
> Không ăn sữa chua khi đang uống thuốc kháng sinh
> Trẻ còi vì thuốc kháng sinh

Nhưng ngày nay “phép lạ” ấy không còn nữa! Sự xuất hiện và lan rộng của các mầm bệnh kháng thuốc đã tăng nhanh. Nhiều loại kháng sinh thiết yếu đã không còn công hiệu. Và nguy cơ những bệnh nhiễm trùng thông thường sẽ không còn thuốc chữa, dịch bệnh sẽ không thể kiểm soát, hàng triệu người sẽ có thể tử vong trong tương lai.

Thuốc kháng sinh - “phép lạ” đang biến mất

Kể từ năm 1928, bác sỹ Alexander Flemming phát hiện ra kháng sinh Penicillin, đến nay đã có hàng trăm loại kháng sinh đã được đưa vào sử dụng trong điều trị bệnh. Sự ra đời của kháng sinh đã cứu chữa được hàng tỷ người mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc coi kháng sinh như là “thần dược” chữa tất cả các bệnh nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh kéo dài, lạm dụng kháng sinh trong điều trị đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Do vậy nhiều loại kháng sinh đã bị kém hoặc không còn tác dụng trong điều trị bệnh.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) kháng kháng sinh (KKS) là khả năng một loại vi sinh vật vô hiệu hóa tác dụng của một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại nó. Các vi sinh vật có khả năng kháng thuốc này bao gồm virut, vi khuẩn và một số loại ký sinh trùng. Trong trường hợp có biểu hiện kháng thuốc, các liệu pháp điều trị chuẩn không còn hiệu quả, nhiễm khuẩn vẫn tồn tại, phát triển và có thể lây lan sang cho những người khác.

Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đã liên tiếp thông báo về sự xuất hiện gen kháng thuốc của vi khuẩn với một số loại kháng sinh, trong đó có cả các loại kháng sinh thế hệ mới. Báo cáo của WHO cho thấy, mỗi năm trên thế giới ước tính có thêm 440.000 ca nhiễm mới bệnh lao đa kháng thuốc gây ít nhất 150.000 ca tử vong.

Ở Việt Nam con số này là khoảng 5.900 ca nhiễm lao đa kháng thuốc gây tử vong cho 1.800 ca mỗi năm. Nghiêm trọng hơn lao siêu kháng đa thuốc đã xuất hiện ở 58 quốc gia. Hiện tượng kháng thuốc điều trị sốt rét, HIV, nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn thông thường đang tăng lên nhanh chóng.

Tại Việt Nam, khoảng 3% số ca sốt rét P. falciparum kháng các liệu pháp kết hợp artemisinin ở các tỉnh như Quảng Trị, Gia Lai và Đắk Nông. Giám sát sự lây lan của HIV và kháng thuốc, năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 5-15% số người đã kháng lại các loại thuốc kháng virut ngay khi bắt đầu phác đồ điều trị...

Tại người bệnh và cả thầy thuốc

KKS là hậu quả của nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý và không đúng cách. Điều này xảy ra tại một môi trường chăm sóc sức khỏe nơi mà các bác sĩ và nhân viên y tế kê dùng kháng sinh cho người bệnh quá liều, sai liều hoặc thiếu liều. KKS cũng xảy ra khi người bệnh tự điều trị, mua và dùng thuốc không cần kê đơn.

Tại Việt Nam, trong số các yếu tố làm tăng vi khuẩn kháng thuốc, nhiễm khuẩn bệnh viện là yếu tố quan trọng liên quan đến tính KKS của vi khuẩn. Thêm vào đó, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong cộng đồng, thầy thuốc kê đơn lạm dụng kháng sinh, người dân có thói quen tự ý mua thuốc kháng sinh khi bị các bệnh nhiễm trùng thông thường không theo chỉ định của thầy thuốc. Kết quả, nhiều vi khuẩn đã kháng lại hầu hết các kháng sinh thông dụng như penicillin, tetracycline, streptomycin,...

Tự ý mua thuốc kháng sinh chữa bệnh gây nên tình trạng kháng thuốc Ảnh: T.H .

Việc lạm dụng kháng sinh xảy ra phổ biến ở cả bệnh nhân và thầy thuốc. Ở thầy thuốc, việc kê đơn có thuốc kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường rất phổ biến tại các bệnh viện, phòng khám do chưa chẩn đoán chính xác bệnh, thiếu phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng về vi sinh học,...

Ở người bệnh, việc tự ý sử dụng kháng sinh mỗi khi có bệnh thông thường, dù chỉ là có triệu chứng ho hoặc sốt nhẹ,... đã trở thành thói quen, do nhiều nguyên nhân như: chủ quan, ngại đến cơ sở y tế khám và được kê đơn thuốc vì tâm lý không muốn chờ đợi do bệnh viện thường xuyên quá tải, khó khăn về kinh tế, dùng thuốc theo mách bảo,... Ngoài ra chính người bán thuốc tại các nhà thuốc (các dược sĩ và cả những người không có đủ điều kiện bán thuốc) vẫn thường xuyên bán và hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh mà không cần có đơn thuốc hay tư vấn của bác sĩ.

Điều quan trọng nữa là nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe hiện nay vẫn còn hạn chế, đa số người dân có hiểu biết rất ít về cách nhận biết, phòng tránh và điều trị các bệnh thông thường, không thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, tự ý dừng thuốc, bỏ thuốc khi bắt đầu cảm thấy đỡ bệnh,... nhất là người dân ở nông thôn, miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ít được tiếp cận với thông tin hay xa cơ sở y tế,...

“Chống kháng thuốc: Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa”

KKS hiện nay đang là vấn đề lo ngại toàn cầu vì nó sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với người bệnh và xã hội. Nó có thể gây tử vong khi mà các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc gây ra không còn điều trị hiệu quả bởi các liệu pháp điều trị chuẩn; Khi hiệu quả điều trị giảm, người bệnh bị nhiễm khuẩn kéo dài làm gia tăng khả năng lây vi khuẩn kháng thuốc sang người khác; Đe dọa công tác chăm sóc y tế và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; Làm tăng chi phí điều trị, tăng gánh nặng về tài chính cho các cơ sở y tế và người bệnh; Có thể đưa chúng ta quay trở lại thời kỳ trước khi thuốc kháng sinh được phát triển,...

Hiện tại nó đang làm suy yếu cuộc chiến chống lại bệnh tật, như bệnh lao và sốt rét - những bệnh có lẽ đã ngăn chặn được từ nhiều thập kỷ trước. Đồng thời các căn bệnh khác đã có từ lâu lại đang xuất hiện và có khả năng không có thuốc chữa. Do đó nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4/2011), Tổ chức y tế thế giới đã cảnh báo và kêu gọi các nước trên thế giới nỗ lực chống lại tình trạng kháng thuốc với khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa” với các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và phòng tránh hậu quả của nó trong tương lai.

Theo Hà Giang
Sức khỏe & Đời sống

Theo Tổng hợp