Khai quật tàu cổ đắm ở Dung Quất thu được gần 10.000 mảnh vỡ

Tàu cổ đắm ở Quảng Ngãi được khai quật với kinh phí 48 tỷ đồng, nhưng sau một năm chỉ thu được 10.000 tiêu bản, phần lớn là mảnh vỡ.
Thợ lặn trục vớt hiện vật trong tàu cổ ở vùng biển Dung Quất hồi năm 2018. Ảnh: Phạm Linh.

Ngày 1/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết đã gửi báo cáo, kiến nghị đến UBND tỉnh và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về việc khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất.

Theo đó, các hiện vật khai quật được thuộc giai đoạn Vạn Lịch thời Minh (1573 - 1620). Trong đó, gốm sứ cao cấp được sản xuất ở lò Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây), lò Đức Hóa (tỉnh Phúc Kiến); gốm sứ bình dân được sản xuất tại tỉnh Quảng Đông.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi thu gom các mảnh vỡ từ tàu cổ đắm Dung Quất. Ảnh: Văn Tánh.
Dòng men chủ yếu là đồ sứ hoa lam. Hiện vật còn nguyên ít, đa phần trong tình trạng vỡ mảnh. Một số tiêu bản có nhiều mảnh vỡ, có thể gắn chắp, phục dựng nguyên dáng.

Các mảnh vỡ này phân bố ở gần cầu cảng Dung Quất với mật độ dày đặc, chứng tỏ tàu cổ bị vỡ do quá trình xây dựng cầu cảng (trước lúc khai quật). Tàu bị cọc bêtông đóng phá, mặt cầu cảng chồng đè lên trên, chỉ thu được những di chỉ như: thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ, đinh sắt, khóa đồng...

Ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia (đơn vị chủ trì trục vớt) cho rằng bản thân tính chất khai quật có thể đạt kết quả như mong muốn hoặc không như mong muốn. Việc khai quật các con tàu cổ và thu được nhiều mảnh vỡ là phổ biến trên thế giới.

Theo ông Đoàn, việc khai quật ra các mảnh vỡ tùy thuộc vào tính chất di tích. Ví dụ di chỉ cư trú thì trong quá trình cư trú đã có những mảnh vỡ. Những gì đã ở trong mộ thì còn nguyên vẹn, vì lý do khách quan mới vỡ. Các mảnh vỡ này vẫn có giá trị nghiên cứu.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, kết quả khai quật có ý nghĩa và giá trị khoa học cao, góp phần bổ sung tư liệu và nhận thức mới về lịch sử gốm sứ, lịch sử giao thương trên vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện gầm cầu cảng bị phủ cát dày khối lượng lớn, hàng tấn vật liệu xây dựng. Nếu tiếp tục khai quật sẽ ảnh hưởng đến an toàn của đội thợ lặn. Hơn nữa, hiệu quả khai quật thu được cũng không còn như mục tiêu ban đầu.

Do đó, Sở kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch dừng khai quật, để triển khai công tác bảo quản, chỉnh lý, phân loại và phục dựng, trưng bày.

Trước đó, năm 2017, trong quá trình nạo vét cảng Dung Quất, Công ty Hào Hưng phát hiện nhiều cổ vật. Tháng 7/2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia bắt đầu cho khai quật sau khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt, với kinh phí 48 tỷ đồng.
Thợ lặn trục vớt hiện vật trong tàu cổ ở vùng biển Dung Quất hồi năm 2018. Ảnh: Phạm Linh.
Đây là tàu cổ đắm thứ 7 ở Việt Nam được khai quật và là tàu cổ đầu tiên được trục vớt bằng ngân sách và không nhờ sự trợ giúp của nước ngoài. Thời gian trục vớt dự kiến khoảng hai tháng.

Song do vướng mắc một số vấn đề về giải quyết yêu cầu của Công ty Hào Hưng, nguồn kinh phí, thời tiết, thủ tục pháp lý... nên đến tháng 2 vừa qua việc khai quật mới được tiếp tục, sau đó tạm dừng vào cuối tháng 5.

Theo Theo VnExpress