Tiếp bài 'Mắc kẹt ở Siêu ủy ban':

Khắc phục tình trạng 'đầu Ngô mình Sở'

TP - Từ nguy cơ dừng chạy tàu trên toàn quốc, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, khi thay đổi phương thức quản lý phải thay đổi cơ chế vận hành phù hợp, tránh “đầu Ngô mình Sở”. 
Bộ GTVT cần sớm làm tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho ngành Đường sắt

Đấu thầu có khả thi?

  Trước tiên, ông nhìn nhận, đánh giá gì về nguy cơ dừng chạy tàu trên toàn quốc vì thiếu kinh phí bảo trì, duy tu?

Nhiệm vụ này trước đây được giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp. Tuy nhiên, từ năm 2020, do thay đổi cơ chế quản lý, đến bây giờ chưa giao được vốn cho đơn vị này. Trước kia, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là một đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Nguồn vốn cho việc bảo trì, duy tu, bảo dưỡng được phân bổ về Bộ GTVT, rồi bộ này phân bổ về Tổng Công ty Đường sắt.

Vừa qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV). Khi thay đổi đơn vị quản lý, cơ chế giao vốn vẫn giao về Bộ GTVT. Theo Luật Ngân sách nhà nước thì Bộ GTVT không thể giao vốn cho một đơn vị bên ngoài bộ. Chính vì không có kinh phí, dẫn đến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gặp khó khăn, không có tiền trả lương công nhân.

Điều này chỉ có thể thực hiện khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện đấu thầu thông qua Bộ GTVT. Muốn vậy, Bộ GTVT phải có Ban quản lý dự án đối với việc sử dụng nguồn vốn này. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng phải có một đề án và đưa ra đấu thầu. Tuy nhiên, nếu làm theo hướng này, có lẽ phải mất đến cả năm Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng chưa chắc nhận được vốn, vì thủ tục rất phức tạp, nhiêu khê. Từ đó dẫn đến nguy cơ đường sắt phải tạm ngừng hoạt động hoặc nếu chạy tiếp mà không được duy tu, bảo dưỡng, dẫn đến nguy cơ tai nạn, mất an toàn đường sắt.

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định

Vậy giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì, thưa ông?

  Trước hết cần rút bài học kinh nghiệm không chỉ đối với trường hợp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mà đối với nhiều đơn vị khác. Khi thay đổi phương thức quản lý phải thay đổi cơ chế vận hành cho phù hợp. Tránh tình trạng giao nhiệm vụ quản lý cho đơn vị này nhưng lại giao kinh phí hoạt động cho đơn vị khác, dẫn đến tình trạng “đầu Ngô mình Sở”. 

Tôi còn nhớ khi ở Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã xảy ra trường hợp tương tự. Lúc đó tại quốc lộ 5 xuất hiện một điểm đen tai nạn giao thông trên địa phận tỉnh Hải Dương. Việc xóa điểm đen này thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại không làm được vì liên quan đến giải phóng mặt bằng, nên đã giao cho địa phương thực hiện. Để làm được điều này, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, sau đó trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, chấp thuận giảm vốn của Bộ GTVT, vì bộ không làm nhiệm vụ đó, đồng thời tăng vốn cho UBND tỉnh Hải Dương. 

Để tháo gỡ vướng mắc cho ngành Đường sắt phải giao nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và tiền ngân sách cũng phải giao cho họ. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đây là việc điều chỉnh nhỏ, không làm thay đổi ngân sách chung. Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ GTVT làm tờ trình để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Trong khi chờ đợi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Chính phủ có nên áp dụng biện pháp trước mắt nào đó để tạm thời khắc phục tình trạng này?

Để đảm bảo cho cán bộ công nhân viên ngành Đường sắt có tiền lương, đồng thời tiếp tục duy tu, bảo trì, đảm bảo vận hành an toàn, trước mắt Thủ tướng có thể chỉ đạo các bộ, ngành ứng vốn cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Về lâu dài, cần xác định rõ mô hình quản lý đối với hoạt động duy tu bảo dưỡng đường sắt. Nếu doanh nghiệp vẫn thuộc UBQLV thì phải giao vốn cho Ủy ban này, để từ đó giao vốn lại cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng. Còn nếu lo xảy ra thất thoát, lãng phí mà vẫn giao vốn cho Bộ GTVT thì phải quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn cụ thể cho việc đấu thầu.

Cảm ơn ông!

“Vốn đã ít nhưng lại giao chậm, cộng với nhiều nguyên nhân khác như giải phóng mặt bằng, đấu thầu với thủ tục phiền hà, dẫn đến không giải ngân hết và chuyển nguồn sang năm sau rất nhiều gây lãng phí ngân sách. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có cố gắng, nhưng tình trạng có tiền không tiêu được, chuyển vốn sang năm sau vẫn đáng báo động, cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn để tháo gỡ, khắc phục tình trạng này”. 

TS Bùi Đức Thụ