Vướng mắc khi chuyển doanh nghiệp về ủy ban quản lý vốn

Mắc kẹt ở 'Siêu ủy ban'?

Tổng Công ty Cảng hàng không chuyển về ACV cũng cho rằng gặp một số vướng mắc. Ảnh: Nhật Minh
Tổng Công ty Cảng hàng không chuyển về ACV cũng cho rằng gặp một số vướng mắc. Ảnh: Nhật Minh
TP - Hơn một năm chuyển từ các bộ chủ quản về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV còn được gọi là “siêu ủy ban”), các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn vướng hàng loạt khó khăn, thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Một số DNNN xin chuyển về bộ chủ quản như trước kia. Vì sao, cách nào để giải quyết ?

Với mục tiêu tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện quyền sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước, UBQLV được thành lập dựa trên đề án của  Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, mới hơn một năm kể từ khi 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chuyển về UBQLV, hàng loạt vấn đề phát sinh. 

Đình trệ hậu chuyển giao

Lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sau khi chuyển về UBQLV, các dự án cao tốc dở dang của VEC đã gặp nhiều vướng mắc. Các vướng mắc này cũng chủ yếu liên quan tới phần vốn ngân sách cho các dự án, tương tự như ngành đường sắt. Điển hình là dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, cách đây ít ngày, VEC đã báo cáo Chính phủ cho tạm dừng xây dựng tới khi có vốn để tránh phát sinh các rủi ro pháp lý. Cùng đó, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn một số công việc dở dang (như đường gom, nút giao) bị đình trệ do thiếu vốn. 

Theo lãnh đạo VEC, từ năm 2019, doanh nghiệp đã báo cáo các cấp có thẩm quyền về vướng mắc, đề xuất giải pháp, đặc biệt về vốn đối ứng từ ngân sách, gia hạn các hiệp định vay nước ngoài hết hạn. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa được tháo gỡ. Thậm chí, VEC đề xuất cho sử dụng tiền thu được từ thu phí các cao tốc đang khai thác để xử lý các dự án đang đầu tư, nhưng chưa được cơ quan nào quyết định.

“Về mặt danh nghĩa, Quốc hội đã phân bổ vốn từ ngân sách cho VEC, tiền đã có nhưng khi về UBQLV dòng vốn đó bị tắc. Do chưa rõ Bộ GTVT hay UBQLV là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận và giao vốn cho VEC”, lãnh đạo VEC nói.

Trước đó, để giải quyết vướng mắc các dự án “dở dang” của VEC, Bộ GTVT và UBQLV đã thống nhất và kiến nghị Thủ tướng: Cho Bộ GTVT tiếp tục thực hiện quyền và nhiệm vụ của cấp quyết định đầu tư cho tới khi dự án hoàn thành, sau đó bàn giao UBQLV. Tuy nhiên, do còn các ý kiến khác nhau nên chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra, dẫn tới dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dù đã triển khai hơn 70% khối lượng công việc bị đình trệ, chậm tiến độ, hiệp định vay vốn hết hiệu lực nhưng chưa có cơ quan nào xử lý.

Sân bay, đường sắt chưa có lời giải

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong 5 tổng công ty giao thông đã chuyển giao sang siêu ủy ban, có 3 doanh nghiệp gặp vướng mắc lớn nhất là Tổng Cty Đường sắt (VNR), VEC và Tổng Cty Cảng hàng không (ACV). Do những doanh nghiệp này lâu nay thực hiện một số nhiệm vụ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, như bảo trì đường sắt, đầu tư đường cao tốc, duy tu và sửa chữa các sân bay (đường băng và đường lăn). Trước đây, khi thuộc Bộ GTVT, với đường sắt, bộ nhận tiền từ ngân sách sẽ giao cho VNR thực hiện theo cơ chế đặt hàng. 

Theo Luật Đường sắt, Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, còn theo Luật Ngân sách nhà nước 2015, vốn ngân sách chỉ được giao cho các đơn vị trực thuộc. Do đó, khi VNR chuyển sang UBQLV, Bộ GTVT không thể giao vốn cho VNR như trước đây. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng để báo cáo Quốc hội, theo phương án từ nay tới năm 2025 vẫn giao vốn này về VNR như khi chưa chuyển giao về Siêu ủy ban. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội vẫn quyết định là giao vốn bảo trì về Bộ GTVT và thực hiện theo Luật Ngân sách, nên bộ không thể chuyển vốn đặt hàng cho VNR.

Với ACV, hiện tại đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) đều xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2017, ACV đã báo cáo để tu sửa, nhưng chưa được làm vì vướng quy định. Trường hợp ngân sách khó khăn, ACV sẽ ứng vốn để làm trước, ngân sách trả nợ sau. Do việc đầu tư, sửa chữa sân bay thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nên sau khi ACV chuyển giao về UBQLV, Bộ GTVT không thể quyết định giao cho ACV thực hiện công việc này được nữa.

Từ đó tới nay, 2 sân bay lớn nhất nước vẫn đối mặt nguy cơ đóng cửa vì xuống cấp.
“Đường sắt và sân bay liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn nên rất cấp bách, cần phải giải quyết khẩn trương, không thể kéo dài lâu. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 24/2, các vấn đề sẽ tiếp tục phải nghiên cứu, cũng chưa có giải pháp cụ thể”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay. Theo lãnh đạo Bộ này, dễ nhất là chuyển các tổng công ty về lại bộ, nhưng như thế lại ngược chủ trương lớn là tách doanh nghiệp khỏi chức năng quản lý nhà nước. Do đó, cần sớm có giải pháp trước mắt và lâu dài.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng

Trước bối cảnh này, Bộ KH&ĐT có văn bản kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp cấp bách trong đó chủ yếu liên quan đến Luật Đầu tư, Luật số 69, Luật Xây dựng.... Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về việc xử lý các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban với nội dung: Giao nhiệm vụ cho các bộ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án hoàn thiện các luật có liên quan (chủ yếu là Luật Đầu tư) và xử lý ngay một số vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đầu tư theo hướng quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có mức vốn dưới 5.000 tỷ đồng, thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và bổ sung quy định về hồ sơ dự án đầu tư.

Đang họp bàn, vẫn “bí” giải pháp 

Ngày 24/2, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBQLV cho biết, trước những vướng mắc các doanh nghiệp phản ánh, Ủy ban đang họp bàn tìm giải pháp nhưng chưa xong.  

Còn theo ông Đỗ Hữu Huy, Chánh văn phòng UBQLV, vấn đề liên quan đến kiến nghị của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, lãnh đạo UBQLV đã báo cáo lên Thủ tướng. 

“Thủ tướng đang yêu cầu Bộ GTVT và UBQLV báo cáo cụ thể. Vì vậy, chúng tôi chưa có thông tin chính thức”, ông Huy cho biết. 

Trước đó, lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBQLV (xin giấu tên) có nhiều dự án đầu tư lớn chậm tiến độ cho biết, từ khi chuyển từ Bộ Công Thương về siêu Ủy ban này, công việc triển khai chậm hơn.

“Trước đây, chúng tôi báo cáo xin ý kiến Bộ Công Thương về các dự án đầu tư. Tuy nhiên, khi chuyển về UBQLV, chúng tôi báo cáo lãnh đạo ủy ban này. Sau đó, UBQLV lại hỏi ý kiến Bộ Công Thương. Vì vậy, công việc chậm trễ hơn”, vị này nói. 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".