Nâng lên mức báo động cao nhất
Bộ trưởng Y tế yêu cầu tỉnh phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, phải đặt trong trạng thái báo động ở mức độ cao nhất để kiểm soát thật tốt tình hình dịch. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với những khu vực nguy cơ, riêng Việt Yên phải phong tỏa. “Thà mình làm sớm, làm mạnh hơn còn hơn đuổi theo dịch”, Bộ trưởng nói.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến tối qua, toàn tỉnh có 444 bệnh nhân COVID-19, 6.581 người thuộc diện F1, 30.650F2 và 406 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Hiện ở tỉnh có 3 ổ dịch, trong đó phức tạp nhất là Công ty Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, huyện Việt Yên). Ở công ty này đã có 190 F0 (tính từ 14/5), hơn 1.700 F1 và gần 5.000 F2. Cả 4 xưởng của công ty đều có ca bệnh, trong đó xưởng 4 cao nhất. Số trường hợp dương tính cần điều trị của tỉnh khoảng 500 đến dưới 1.000 người.
Huy động tổng lực xét nghiệm
Bộ trưởng Y tế yêu cầu Bắc Giang huy động tổng lực xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên, nếu phát hiện ca dương tính thì làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR, vừa lấy mẫu vừa xét nghiệm nhanh. Giải tỏa ngay 70.000 mẫu đang tồn đọng và cho kết quả sớm. Bộ Y tế giao Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhấn mạnh “tình hình ở Bắc Giang rất nóng”. Trong buổi sáng, kiểm tra tại các KCN, đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định, dịch xảy ra trong KCN với môi trường kín, đông, mật độ rất dày, cùng chủng virus lần này lây lan nhanh thì sự lây nhiễm nghiêm trọng, phức tạp. Tỉnh đã chuyển hơn 4.000 trường hợp đi cách ly ngay, có thể tới đây số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng.
Tâm dịch ban đầu được xác định ở Công ty Hosiden nhưng nghiêm trọng hơn, sau quá trình điều tra, lấy mẫu diện rộng thì không chỉ dừng ở tâm dịch này mà còn có dấu hiệu xâm nhiễm các công ty khác trong KCN này và cả KCN khác. Cụ thể, dịch đã lây sang Đình Trám. “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi dịch xuất hiện ở KCN thì có hệ luỵ rất lớn tới cộng đồng, bởi có mối liên hệ dịch tễ khăng khít giữa công nhân với dân cư”, ông Dương nói.
Tăng mức giãn cách, tăng cường kiểm tra, xử phạt
Bắc Giang đã giãn cách xã hội 3 huyện theo Chỉ thị 15 (Lục Nam, Yên Dũng và Lạng Giang), riêng huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng đã chính thức thực hiện theo Chỉ thị 16; tạm dừng hoạt động với 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Đình Trám, Song Khê- Nội Hoàng và Quang Châu. Công nhân trong toàn bộ khu công nghiệp và người dân huyện Việt Yên được lấy mẫu xét nghiệm. Huyện Việt Yên có 200.000 dân, thêm 100.000 công nhân lao động đến từ 57 tỉnh, thành trên cả nước. Hiện Bắc Giang đã gửi danh sách cho các tỉnh, để tiến hành giám sát PGS.TS Trần Như Dương đề nghị Bắc Giang “phải chắt chiu từng giờ, từng ngày để thực hiện cách ly đúng nghĩa, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực”. Ông chia sẻ bài học từ Hải Dương, bên trong khu vực phong tỏa phải triệt để, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh để mọi người đảm bảo tuân thủ phòng dịch hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng tốc độ lây nhiễm lần này cao hơn tất cả các lần trước, biến chủng có tần suất lây lan nhanh hơn biến chủng Anh, phải chặn thật nhanh. Tuyệt đối không để lây nhiễm trong khu vực phong tỏa. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng là rất lớn, chưa thể hiện bây giờ nhưng mấy ngày tới sẽ phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, Bắc Giang sẽ phải song song mặt trận KCN và cộng đồng. “Thủ tướng nhắc chiến lược chống dịch chuyển từ phòng ngự sang tấn công, nhưng nếu không khoanh được ổ dịch thì không tấn công được”, Bộ trưởng khuyến cáo.
Mua 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer trong năm 2021Ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/5/2021, Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Pfizer (Mỹ) và chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vắc-xin Pfizer.
Như vậy, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer được cung cấp vào quý III và IV trong năm nay, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vắc-xin mà hai bên đã trao đổi và thống nhất trong thời gian qua.
Cũng trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có những trao đổi, đàm phán với nhiều đơn vị sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)... với mục tiêu có đủ và đa dạng vắc-xin phòng COVID-19 phục vụ người dân, đồng thời đẩy mạnh việc tiếp cận để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Thái Hà