Ngày 11/5, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - xác nhận đến thời điểm này đã có kết quả kiểm tra việc xác minh các lô hàng, mã số vùng trồng sầu riêng mà phía Trung Quốc cảnh báo vượt dư lượng chất cadimi.
Theo ông Đạt, ngoài việc yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp rà soát, Cục Bảo vệ thực vật cũng lập đoàn kiểm tra để đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách mà phía Trung Quốc cảnh báo nhiễm chất cadimi.
"Sau quá trình kiểm tra kỹ lưỡng từ cả mẫu đất, nước, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý sầu riêng. Chúng tôi đều không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng cadimi như Trung Quốc cảnh báo”, ông Đạt nói.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho hay, Cục đang tổng hợp thông tin để báo cáo Bộ trưởng NN&PTNT, sau đó sẽ tổ chức họp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc; họp báo thông tin rộng rãi tới người dân, cơ quan chức năng trong nước.
Trước đó, phía Trung Quốc cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam vượt dư lượng cadimi. Thông tin này cũng khiến người trồng sầu riêng lo lắng, và dấy lên lo ngại có khả năng nguyên nhân do phân bón DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc vào năm ngoái (đã bị cảnh báo vượt dư lượng cadimi và thu hồi).
Ngày 10/5, tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững ngày 10/5, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến thời điểm này, cả nước hiện có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, yêu cầu việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm ngày càng gay gắt.
Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo cần thực hiện ngay biện pháp khắc phục, nhất là phải làm quyết liệt hơn trong vấn đề kiểm dịch thực vật và vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở trái sầu riêng. Bởi, việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo mà còn có nguy cơ khiến ngành hàng sầu riêng của Việt Nam bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ NN&PTNT, trong quý I năm nay, xuất khẩu sầu riêng vẫn đạt gần 57.000 tấn, thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.437 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm đến 90% giá trị xuất khẩu sầu riêng của nước ta.