Kéo giãn du lịch, giảm áp lực cho vịnh Hạ Long

TP - Trước nguy cơ tác động tiêu cực đến từ các hoạt động hàng hải cũng như các dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, mới đây, Quảng Ninh đã xây dựng đề án kéo giãn du lịch về phía Đông nhằm giảm áp lực cho di sản.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, hiện khu vực vịnh Hạ Long đã duy trì 5 tuyến cho khách tham quan, trải nghiệm gắn với từng loại hình sản phẩm và từng thị trường khách; duy trì dịch vụ, sản phẩm du lịch chèo thuyền nan, kayak và xuồng cao tốc, thủy phi cơ, trải nghiệm văn hóa, tắm biển, mua hàng lưu niệm, tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản.

Khu vực vịnh Bái Tử Long (khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô), đã có 3 tuyến và 13 điểm du lịch được ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Tỉnh đã công nhận đạt chuẩn một số bãi tắm du lịch và đưa vào khai thác, như bãi tắm Quảng Hồng, bãi tắm Lương Ngọc, bãi tắm Mai Quyền, bãi tắm Minh Châu. Cùng với đó, khu vực vịnh Bái Tử Long cũng đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch độc đáo…

Lượng khách du lịch đổ về vịnh Hạ Long ngày một đông gây quá tải cho di sản

Theo đề án, việc cấp thiết trước mắt là nâng cấp đội tàu du lịch đạt chuẩn quốc tế trên cơ sở không gây quá tải cho vịnh Hạ Long; kéo giãn du lịch về phía vịnh Bái Tử Long và vùng biển Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái nhưng phải theo đúng nguyên tắc phát triển hài hòa, bền vững, bảo đảm môi trường sinh thái...

Quảng Ninh đang xây dựng đề án "Tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long-vịnh Bái Tử Long-Vân Đồn-Cô Tô" theo hướng sẽ kéo giãn du lịch biển, đảo về phía Đông của tỉnh, nhằm giảm áp lực cho vịnh Hạ Long.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh ông Nguyễn Xuân Ký yêu cầu những người lập đề án phải xác định thu hút dòng sản phẩm cao cấp của các nhà đầu tư chuyên nghiệp tập trung ở khu vực Vân Đồn, Cô Tô. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển các sản phẩm du lịch cấp độ địa phương do doanh nghiệp địa phương thực hiện, đáp ứng các phân khúc khách, sau đó mới phát triển du lịch cộng đồng ở các khu vực còn khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng giàu truyền thống văn hóa bản địa, văn hóa dân tộc.

Để đề án mang tính khả thi, thu hút khách du lịch, những người lập đề án tập trung vào yêu cầu nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Theo đó Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển các sân golf dọc tuyến ven biển, xây dựng trung tâm mua sắm tại các khu đô thị, nhất là ở thành phố Hạ Long và xây dựng các trạm dừng nghỉ đa dịch vụ ở dọc tuyến cao tốc từ Hạ Long tới Móng Cái; tập trung khai thác dòng khách chất lượng cao ở thị trường nội địa và quốc tế, nhất là thị trường Đông Bắc Á đang có nhiều cơ hội.

Tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh mới đây, sau khi nghe trình bày về đề án, ông Nguyễn Xuân Ký đã yêu cầu thành phố Hạ Long rà soát lại tất cả dịch vụ du lịch để có đánh giá tổng thể và tiếp tục nghiên cứu cách tiếp cận mới khi có sự liên kết, kéo giãn khách tới vịnh Bái Tử Long và hình thành các khu ẩm thực gắn với địa bàn khu dân cư.

Riêng đối với TP.Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu giữ vững giá trị vịnh Hạ Long và sự kết nối giữa các địa phương, đặc biệt ở khu vực vịnh Bái Tử Long gắn với nguồn nước suối khoáng Quang Hanh và Vườn quốc gia Bái Tử Long.