Như những cuộc dạo chơi
Không sinh ra và lớn lên ở Hạ Long, nhưng tôi tự tin có thể làm một hướng dẫn viên kỳ cựu mỗi khi ra vịnh. Mặc dù không thể nhớ hết tên những hòn đảo nhưng đường đi lối lại, các điểm đến, các địa danh trên vịnh tôi đều có thể làm hoa tiêu chuẩn xác. Trong 7 năm qua, nghề báo đã giúp tôi du hải trên vịnh Hạ Long như một ngư dân thực thụ.
“Được làm những điều mình thích là tự do, thích những điều mình làm là hạnh phúc”, đó là câu nói mà tôi tâm đắc khi nghề báo đã chọn tôi. Nó là động lực giúp tôi tin tưởng hơn vào bản thân, ít nhất là tôi đang cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang làm”.
Vẫn nhớ như in về tuyến đề tài đầu tiên khi mới về thường trú Quảng Ninh. Nhận được thông tin doanh nghiệp trưng dụng các hang động di sản vịnh Hạ Long để tổ chức tiệc tùng linh đình. Âm thanh cỡ lớn kèm theo hệ thống ánh sáng hoành tráng của những cuộc nhậu thâu đêm đã phá vỡ hoàn toàn cảnh quan và môi trường của di sản.
Cùng đồng nghiệp tặng áo ấm cho ngư dân trên vịnh Hạ Long (Ảnh chụp năm 2020) |
Để tiếp cận và ghi nhận được những hình ảnh chân thực nhất của những bữa tiệc, nhiều ngư dân đã thức trắng đêm cùng tôi trên vịnh. Điều đặc biệt, họ giúp tôi có được những hình ảnh trên không vì tiền công mà họ muốn tôi phản ánh sự thật, góp tiếng nói bảo vệ vịnh Hạ Long vì họ ý thức được, họ chính là con dân của di sản.
Cũng chính những ngư dân các làng chài trên vịnh đã dẫn tôi lênh đênh cả tuần trời, ăn nghỉ trên thuyền để ghi nhận những nhũ đá trong các hang động bị đánh cắp làm hòn non bộ. Tối đánh cá, ngày lại đi khắp các hang từ khu Cống Đỏ, Cống Đầm đến Cửa Vạn. Có những hang đá cheo leo vách núi cách mặt nước vài chục mét cũng được chúng tôi khám phá, ghi nhận hiện trạng.
Một bữa cơm trên thuyền cùng ngư dân cho tuyến đề tài nhũ đá vịnh Hạ Long bị cắt trộm làm hòn non bộ. (Ảnh chụp năm 2016) |
Ngoài những lần thực hiện đề tài phản ánh, tôi may mắn nhiều lần được ngư dân cho trải nghiệm cuộc sống thực tế trên vịnh. Tự tay tóm lưỡi câu, tự tay câu mực, câu cá, lặn hà gai hay làm những công việc của một ngư dân thực thụ. Những làng chài như Vung Viêng, Cửa Vạn trở thành điểm thường xuyên lui tới của tôi vào dịp cuối tuần.
Cũng không biết từ khi nào, vịnh trở nên gắn bó với tôi, với nghề báo. Từng địa danh, từng luồng tuyến trên vịnh dần in vào tâm trí tôi. Khuôn mặt rám nắng của những ngư dân vùng vịnh trở nên thân thuộc.
Rồi những biến cố, những thay đổi đột ngột từ đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long” khiến hàng nghìn ngư dân vịnh Hạ Long “mắc cạn”. Trẻ em không được đến trường, thanh niên sa ngã bởi những va đập nơi phố thị. Hàng trăm ngư dân không có nơi để về và phải sống cuộc sống vô định trên vịnh di sản.
Năm 2017, loạt 5 bài phóng sự “Hạ Long tương phản” của tôi đã lột tả những thực trạng báo động về cuộc sống của hàng nghìn ngư dân trên vịnh Hạ Long sau khi được di dời lên bờ. Những kình ngư bị mắc cạn bởi hàng nghìn năm nay họ quen với sóng nước. Được lên bờ nhưng không được chuyển đổi nghề nghiệp và bi kịch đã xảy ra trong từng gia đình ngư dân.
Cũng từ đấy, những chuyến thiện nguyện của tôi cùng nhiều anh em phóng viên các báo luôn hướng về những ngư dân làng chài. Mùa đông gom áo quần ấm để mang ra tận nơi cho các gia đình sống gần bờ. Trung thu mua quà cho các em nhỏ hay mỗi dịp cuối năm, chúng tôi gửi tặng họ những cành đào, đôi bánh chưng Tết với mong muốn sưởi ấm phần nào cho những mảnh đời lênh đênh trên vịnh.
Mới đây nhất, phóng sự dài kỳ “Đâu rồi hồn cốt vịnh di sản?” được Tiền Phong đăng tải đã phản ánh chân thực nhất về cuộc sống, tâm tư và nguyện vọng của ngư dân sau hơn 8 năm thực hiện đề án di dời các làng chài trên vịnh. Một lần nữa khẳng định đề án đã không hiệu quả và không chỉ gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của hàng nghìn ngư dân mà nó đang đánh mất văn hóa độc đáo xưa nay của vịnh Hạ Long.
Loạt phóng sự đã chạm đến tâm tư của một số doanh nhân muốn góp phần phục dựng lại văn hóa của di sản. Bởi chính ngư dân là chủ nhân của di sản và họ là văn hóa, là hồn cốt của di sản vịnh Hạ Long. Bằng những lời tâm huyết, họ nói lên những ý tưởng gây dựng lại làng chài nhưng vẫn đảm bảo được môi trường của di sản. Điều họ muốn hướng đến là tạo dựng cuộc sống ổn định, bền vững cho ngư dân trước khi phục dựng lại văn hóa làng chài.
Chưa thể vội mừng nhưng một trong số các doanh nhân trên đã lập đề án chi tiết về việc tái lập làng chài, hướng ngư dân trở thành những chủ thể vừa sinh sống trong làng vừa tạo ra những sản phẩm phục vụ du lịch. Sau khi xin ý kiến các chuyên gia về môi trường, xã hội học cũng như các nhà văn hóa...về đề án, vị doanh nhân sẽ trình đề án lên UBND tỉnh Quảng Ninh để xin thực hiện.
Hy vọng quay về với biển của ngư dân vịnh di sản đang được nhen nhóm. Họ có quyền trở về ngôi nhà chung và điều đó cần được sớm hiện thực hóa vì theo ý kiến của nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng: sống quá lâu trên bờ sẽ làm mai một đi kinh nghiệm sống cũng như bản năng sinh tồn của ngư dân vùng vịnh.