Chi tiêu thế nào cho hợp lý để không bị "chưa hết tháng đã hết tiền" luôn là điều khiến nhiều cặp vợ chồng lo lắng vì họ chưa có kinh nghiệm "tiêu tiền chung".
Nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều gia đình không làm chủ được nguồn tài chính của gia đình mình là chưa biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm.
Tiết kiệm tiền bạc luôn là điều mà chị em có gia đình nào cũng tin rằng có thể đem lại sự dư dả về tiền bạc, thậm chí là giàu có.
Nhưng đôi khi sự tiết kiệm quá mức cũng có thể làm cho cuộc sống của bạn không thoải mái, bạn không được mua những gì mình thích, đầu tư vào những gì mình muốn...
Sự khó chịu nếu bị dồn nén, kéo dài có thể dẫn đến bùng phát vào một ngày gần đó vì bạn luôn có tâm lý muốn bung ra làm tất cả những gì mình muốn mà chưa làm được từ trước tới nay.
Kết quả là có thể chỉ trong một phút vung tay quá trán mà bạn tiêu xài hết những khoản mà mình đã tiết kiệm được để rồi sau đó lại vô cùng hối hận.
Thay vì tiết kiệm một cách gò bó như vậy, bạn hãy thử chuyển sang chi tiêu một cách thông minh xem sao. Chi tiêu thông minh nghĩa là bạn biết khi nào nên rút ví, khi nào không, rút ví cho việc gì, không rút ví cho thứ nào...
Làm được như vậy tức là bạn cũng đã tiết kiệm được một khoản mà trong lòng lại cảm thấy vô cùng thoải mái.
Dưới đây là những bí quyết chi tiêu thông minh mà bạn nên học tập:
Ghi chép lại chi tiêu trong gia đình trong 1 tháng
Cách này sẽ giúp bạn hình dung được sinh hoạt của gia đình mình và những khoản nào là bắt buộc phải chi, những khoản nào có thể du di, thay đổi.
Chia các khoản chi tiêu cụ thể
Hãy cân nhắc số tiền bạn nhận được mỗi tháng là bao nhiêu và nó sẽ được sử dụng vào những mục đích nào. Một công thức chi tiêu làm hài lòng rất nhiều bà nội trợ là:
- Chi tiêu cần thiết: 50-60%: Khoản này dành cho những chi phí cần thiết như ăn uống, đi lại, kể cả mua sắm những thứ cần thiết cho bản thân không bao giờ được quá 55%. Nhu cầu và thu nhập của mỗi người sẽ khác nhau nên việc chi tiêu cũng khác nhau.
- 10% tiết kiệm cho tương lai: Hãy dành ra 10% tổng thu nhập hàng tháng giúp bạn để dành một khoản chi phí cho những kế hoạch và chi tiêu lớn trong tương lai. Việc này giúp bạn thấy rõ được mục đích mình đang nhắm đến là gì và sẽ tiết kiệm tiền từ từ cho việc đó. Nếu có khả năng, bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn.
- 10% chi tiêu cho giáo dục: Đây là số tiền bạn bỏ ra mỗi tháng để tự nâng cấp bản thân. Số tiền này được chi tiêu vào các khoản như tham gia các khoá học, mua sách hoặc tài liệu học tập...
- 10% hưởng thụ: Việc chi ra 10% để tiêu xài và thỏa mãn nhu cầu xa xỉ của bản thân là một việc rất cần thiết.
- 10% tự do chi tiêu: Khoản tiền này bạn có thể dùng vào những việc gì mình thích. Nhưng nếu là người muốn kiếm tiền, bạn hãy dùng nó để đầu tư vào các hoạt động sinh lời như: hùn vốn, chơi chứng khoán...
Để các khoản chi tiêu bắt buộc vào từng phong bì
Mỗi phong bì viết tên từng khoản chi tiêu đã định sẵn như tiền học của con, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền ăn… Cách làm này sẽ giúp bạn không chi tiêu "lạm phát".
Học cách quyết định đúng đắn
Đó chính là quyết định thứ gì nên mua, thứ gì không, mua với giá bao nhiêu thì hợp lý. Trước khi mua bất kỳ một thứ gì đó, các bạn hãy tự hỏi: Liệu nó có cần thiết không? Liệu các bạn có cần mua nữa không?
Liệu ở nhà các bạn đã có thứ gì thay thế chưa? Nếu bạn luôn trả lời những câu này một cách dứt khoát trước khi mua đồ và không hối hận sau đó thì tức là bạn đã biết cách chi tiêu hợp lý rồi.