Kể chuyện bạo lực 'Phía sau cánh cửa'

TP - Bức bối, ngột ngạt là cảm giác bủa vây người xem khi bước vào phòng trưng bày “Phía sau cánh cửa” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam-không gian chuyển tải một phần nhỏ câu chuyện về bạo lực gia đình.
Một góc sắp đặt về bạo lực gia đình trong triển lãm “Phía sau cánh cửa”. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

KHOẢNG TỐI

“Mang câu chuyện bạo hành ra kể cho công chúng không dễ dàng. Nhân vật đưa cho chúng tôi nhiều hình ảnh máu me be bét, nhưng không chấp nhận trưng cho thiên hạ thấy. Chúng tôi gặp may khi làm việc được với một số họa sĩ từng có những công trình về bạo lực gia đình, họ bắt được ý tưởng đó và chuyển tải qua ngôn ngữ hội họa, sắp đặt”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ nói.

Năm modul khác nhau về không gian trong gia đình để gọi tên bạo lực, kể chuyện buồn: Lời ru buồn, Mặt nạ của hạnh phúc, Gánh nặng không cùng san sẻ, Những trái tim lạc lối, Bỏ thì thương vương thì tội. Chiếc giường không chân, treo trên bốn sợi dây chông chênh minh họa cho chủ đề Lời ru buồn. Không gian phòng khách, bàn ăn ngổn ngang lộn xộn, gương vỡ không thể lại lành dù cố gắng sắp đặt chắp vá tới mấy… Những hình ảnh gợi lên phần nào gương mặt bạo lực hiện hữu trong nhiều gia đình.

Không có bất cứ nhân chứng nào xuất hiện tại triển lãm. Kể cũng khó trách bởi "vạch áo cho người xem lưng" không phải dễ dàng đối với phụ nữ Việt Nam. Tuy thế một vài người bước đầu chấp nhận đưa hình ảnh bị chà đạp. Bạo lực gia đình không phải chủ đề mới, nhưng nhóm nghiên cứu ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cố gắng chuyển tải một phần những đau đớn về thể xác, tinh thần qua chuỗi sắp đặt trong căn phòng triển lãm và chấp nhận lộ sáng chuyện riêng tư.

Một góc triển lãm 
Nhân viên ngân hàng P.T.T (37 tuổi đến từ Vĩnh Phúc) kết hôn khi chưa tìm hiểu kỹ, tới nay cô vẫn không được coi là người trong gia đình vì bố mẹ phản đối khi họ cưới nhau. “Khi xảy ra mâu thuẫn, vớ được gì anh đánh tôi bằng cái nấy, vớ được dao cầm dao không thì bóp cổ khiến bị bao vết sẹo”. Nhân viên bán tạp hóa N.T.O ở Hải Dương bảo không hiểu vì sao sống được khi chồng giả tạo yêu thương vợ trước mặt nhưng lúc có hai người lại mạt sát thậm tệ.

Lao động tự do, M.T.H đến từ huyện Đông Anh (Hà Nội) đau đớn hơn vì có con trai út bị trầm cảm. Con cái thường xuyên chứng kiến cảnh bố bạo lực tình dục đối với mẹ. Giảng viên đại học như chị P.T.T cũng là nạn nhân bạo lực tình dục. “Tôi luôn cảm thấy nhục nhã và đau đớn như bị hiếp dâm”, chị kể. Người phụ nữ này cũng dễ dàng quên mình bị bạo lực chỉ vì sau lúc đánh chửi là ngọt nhạt bù đắp, lại mang tâm lý mê muội sợ chồng bỏ đi.

Phần lớn các nhân vật bị chồng bạo hành chung suy nghĩ muốn giữ thể diện, quẩn quanh với vỏ bọc hào nhoáng của gia đình hạnh phúc.

PHÁ VỠ IM LẶNG

“Nhận đề tài về bạo lực gia đình, nhóm nghiên cứu loay hoay bởi cản trở lớn nhất tới từ phía nhân vật không chịu chia sẻ”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nói. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam cung cấp hơn 60 trường hợp bạo lực gia đình thuộc hàng nặng nề nhất. Trong số này có những câu chuyện đau lòng tới từ Nhà bình yên. Nghe tên vậy nhưng thực chất ngôi nhà này là nơi nương náu, bấu víu của những nạn nhân bị bạo hành gia đình tới mức thê thảm.

Chị Hoàng Như Hoa trong nhóm nghiên cứu kể, dù tiếp xúc với tất cả các nhân vật nhưng chưa tới 20 người chịu chia sẻ câu chuyện. Một số người ban đầu đồng ý kể chuyện, sau nghĩ lại đòi rút. Bảy nhân vật đồng ý cho ghi âm, chụp ảnh và chia sẻ chuyện gia đình không êm ấm. “Họ từ chối vì không muốn mang chuyện nhà ra cho thiên hạ bàn tán”, chị Hoa nói. Phong trào tố cáo bạo lực tình dục trên thế giới dâng cao, còn ở ta phụ nữ quen âm thầm chịu đựng và in hằn tư tưởng “xấu chàng hổ ai”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hội LHPN Việt Nam) thừa nhận con số bạo lực gia đình không giảm mà càng gia tăng. Những con số đáng báo động rút ra từ những trường hợp nghiên cứu: 85% nạn nhân chịu bạo lực tốt nghiệp cao đẳng trở lên, người gây ra bạo lực có trình độ học vấn cao chiếm hơn 60%, bạo lực thể chất chiếm 98% còn bạo hành tinh thần là tuyệt đối. Có người hỏi chỉ phụ nữ chịu bạo lực hay nạn nhân còn có nam giới, bà Tuyết Mai cung cấp thông tin nam giới có bị bạo lực với tỷ lệ thấp, tuy nhiên tình trạng nặng nề hơn. “Những trường hợp vợ bạo hành chồng tới chết thường xuất phát từ nguyên nhân con giun xéo mãi cũng quằn”, bà Mai nói.

Những người đại diện và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ thừa nhận bước tiến trong quá trình bảo về những nạn nhân bạo lực gia đình. Khoảng chục năm trước khi Hội vận động thí điểm mô hình Ngôi nhà bình yên, Địa chỉ tin cậy ở các khu dân cư vấp phải không ít định kiến. “Trước đây chúng tôi chủ yếu tuyên truyền vận động phụ nữ, nay đổi mới hình thức vận động cả hai giới”, bà Mai nói. Bạo lực gia đình không chỉ là chuyện nhà nữa. Nguy hiểm tiềm tàng của nó mới là điều đáng ngại. “Hãy nói ra, phá bỏ sự im lặng, khi bạo lực diễn ra một lần nó sẽ tái diễn”-những người thực hiện triển lãm nhắn gửi.