Bên khởi tố vụ việc cáo buộc, con tàu có tên Aquarius, vốn đã tham gia cứu giúp hàng trăm người tị nạn kể từ năm 2016 đã xả chất thải y tế độc hại một cách bất hợp pháp, lẫn trong số rác thải thông thường, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến nay. Đã có khoảng 24 tấn rác thải, nghi là có các mẫu bệnh phẩm y tế có khả năng gây nguy hiểm, bị vứt bỏ rải rác ở 11 cảng biển Italia.
Các quan tòa yêu cầu giam giữ con tàu Aquarius, song đại diện Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã bác bỏ yêu cầu trên, cho rằng Italia đang ngăn cản các hành vi cứu trợ nhân đạo. Tàu Aquarius lúc này đang neo đậu tại cảng Marseilles (Pháp) từ tháng 9, sau khi không thể đạt được sự chấp thuận của các quốc gia trong hành trình tại phía nam Địa Trung Hải. 24 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có hai người Italia, hiện đang bị điều tra trong vụ việc.
Đại diện Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết, họ luôn tuân thủ các tiêu chuẩn xử lý rác thải, sau chuyến đi hỗ trợ người tị nạn dọc bãi biển Libya. "Sự lo lắng này thật thái quá, khiến các chuyến đi tìm kiếm và cứu giúp người tị nạn trên các vùng biển của chúng tôi có nguy cơ bị dừng lại", Karline Kleijer, giám đốc phụ trách cấp cứu của Tổ chức phát biểu trước báo chí.
Chính phủ Italia đã trừng phạt nghiêm khắc những con tàu cứu hộ tại khu vực Địa Trung Hải, ngăn cản các tàu này neo đậu tại các cảng biển Italia, sau khi các con tàu này đã vận chuyển hơn 650.000 người tị nạn đến nước này từ năm 2014 cho đến nay. Chính sách này nhằm trong chiến lược hạn chế số người tị nạn di cư có dấu hiệu quá tải trong những năm gần đây vào châu Âu.