Ngày 5/11, quân đội Israel (IDF) đã tiến hành cuộc oanh tạc lớn nhất vào miền Bắc Dải Gaza kể từ khi cuộc chiến với Hamas bắt đầu. Quân đội Israel đã tiến hành đợt oanh tạc chiến thuật kéo dài 8 giờ liên tục từ trên biển, trên không và trên bộ nhằm vào các mục tiêu ở phía bắc Gaza. Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, Người phát ngôn của IDF trước đó cùng ngày cho biết, quân đội Israel “đang tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Gaza”.
Trong các cuộc oanh kích ngày 5/11, có tới 450 mục tiêu ở Dải Gaza đã bị Lực lượng Phòng vệ Israel phá hủy, bao gồm các tiền đồn của Hamas, cơ sở huấn luyện, thiết bị phóng tên lửa chống tăng và các đường hầm của Hamas. Giám đốc lực lượng an ninh đặc biệt của Hamas, Gamal Moussa, đã thiệt mạng đêm 5/11 trong một cuộc không kích của Israel do Cục Tình báo Quốc phòng của IDF và Shin Bet (Cục An ninh Quốc gia Israel) chỉ đạo. Bây giờ đã khác với thời kỳ đầu chiến tranh, khi Hamas đều ẩn náu trong đường hầm, việc “tấn công chặt đầu” tiêu diệt các chỉ huy của tổ chức vũ trang hùng mạnh này không chỉ đòi hỏi khả năng tiến hành đòn tấn công chính xác mà còn cần phải có khả năng nhận dạng bằng công nghệ AI.
Gần như cùng lúc đó, quân đội Israel tuyên bố sẽ bao vây hoàn toàn thành phố Gaza trong vòng 48 giờ và bắt đầu tấn công vào thành phố. IDF tuyên bố rằng ban đầu họ sẽ không cho các binh sĩ tiến vào các đường hầm dưới lòng đất của Hamas, thay vào đó sẽ cho các lực lượng đặc biệt thực hiện các hoạt động ở ngoại vi và không loại trừ khả năng ném bom từ trên không.
Với việc quân đội Israel đang nhắm tới mục tiêu quét sạch Hamas và tiến vào phía bắc Gaza nơi Hamas đang cố thủ để thực hiện các hoạt động trên bộ, các đường hầm của Hamas vốn luôn được coi là cực kỳ nguy hiểm đang bị họ phá hủy nhanh hơn dự kiến.
Tờ Jerusalem Post trước đó nhận định: "Chiến lược của quân đội Israel sử dụng các đơn vị công binh được huấn luyện đặc biệt và robot được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để công chiếm các đường hầm khét tiếng của Hamas đang cho thấy hiệu quả rất tốt".
Theo tiết lộ của các cơ quan truyền thông, các đường hầm của Hamas lấy trung tâm là bức tường ngăn cách bao quanh Dải Gaza, nằm ở độ sâu khoảng 70 mét dưới lòng đất, có tổng chiều dài từ 500 đến 800 km và số lượng hơn 1.300 đường hầm. Trong những đường hầm này không chỉ có nhà kho dự trữ vũ khí, lương thực mà còn là nơi đặt trụ sở chỉ huy quân sự của Hamas.
Hamas tuyên bố họ có 35.000 nhân viên vũ trang đang chờ quân đội Israel tiến vào. Có tin nói rằng, Hamas đã tích trữ đủ vũ khí và lương thực có thể tồn tại trong vài tháng để tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao với Israel. Nhưng giới quan sát cho rằng, những nhà tham mưu Hamas này không hiểu được thực tế sự chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa họ và Israel; họ cũng không biết rằng chỉ cần lối vào và lối ra đường hầm bị bịt chặt, họ sẽ chỉ còn nước chết ngạt.
Theo dự đoán của Hamas và những người ủng hộ họ, mạng lưới thông tin liên lạc và các thiết bị quân sự của Israel sẽ bị vô hiệu trong các đường hầm, điều này sẽ làm giảm đáng kể năng lực của quân đội Israel được trang bị công nghệ cao. Sau khi tiến được vào trong các đường hầm chật hẹp chỉ vừa một người di chuyển, binh lính Israel sẽ bị các chiến binh Hamas phục sẵn tập kích. Các cuộc tấn công của lực lượng Hamas đã làm trì hoãn hành động của quân đội Israel trong mọi trận chiến trước đây, quân đội Israel chỉ có thể phá được một phần, nhưng không thể phá hủy hết toàn bộ tuyến đường hầm của Hamas.
Tuy nhiên, quân đội Israel tự đánh giá rằng trong chiến dịch trên bộ bắt đầu từ ngày 27/10, họ đã sử dụng công nghệ tiên tiến để công chiếm thành công các đường hầm của Hamas. Một quan chức quân sự cấp cao của quân đội Israel cho biết: “Qua chiến dịch do AI chủ đạo, hơn 150 đường hầm của Hamas đã bị phá hủy chỉ trong một ngày”. Với tình hình tác chiến với sự trợ giúp của công nghệ AI, hoạt động phá hoại đường hầm của Israel lần này đã đạt được kết quả tốt. Chưa đầy một tuần sau khi bắt đầu cuộc chiến trên bộ, quân đội Israel đã phá hủy thành công hơn 1 phần 10 tổng số đường hầm của Hamas.
Rõ ràng Hamas đã liều lĩnh biến các đường hầm thành nấm mồ của chính mình, vấn đề mà họ phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để thoát ra khỏi những đường hầm thiếu trầm trọng máy điều chế oxy và các lỗ thông hơi liên tục bị bịt kín. Israel trong nhiều năm trước đã đối mặt với cuộc chiến đường hầm của Hamas, tất nhiên không thể không chuẩn bị một bước đột phá, Israel, một quốc gia được thành lập dựa trên công nghệ cao, chắc chắn sẽ không lùi bước trước những đường hầm không có chút hàm lượng công nghệ này.
Quân đội Israel sử dụng các máy ủi Caterpillar D9R, còn gọi là “Gấu Teddy” được trang bị lớp giáp thép dày có thể chịu được sức công phá của thuốc nổ. Quân đội Israel cũng đang sử dụng “bom xốp” để vô hiệu hóa đường hầm của Hamas. Là một loại vũ khí hóa học, bom xốp khi phát nổ sẽ trộn lẫn hai chất hóa học được ngăn cách bởi vách ngăn kim loại, chất giống như bọt sinh ra sau vụ nổ trong đường hầm sẽ nhanh chóng đông đặc lại, phát huy tác dụng bịt chặt tuyến đường hầm của Hamas. Các máy bay ném bom trên bầu trời thả “bom phá hầm ngầm” xuyên thủng hàng chục mét dưới lòng đất và phát nổ dưới lòng đất Dải Gaza, tiêu diệt các chiến binh Hamas mai phục dưới lòng đất và phá hủy mạng lưới thông tin liên lạc của họ.
Trong trận chiến trước đó ở Gaza, quân đội Israel cũng đã sử dụng công nghệ AI để tiêu diệt thành công một số mục tiêu nhân sự của Hamas. Cho rằng công nghệ AI hiệu quả và đáng tin cậy hơn con người, giờ đây Israel đã quyết định áp dụng các công nghệ liên quan vào một vòng xung đột mới và tiến hành “thực nghiệm” với quy mô lớn hơn.