Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước ngày 16/11, ông Araqchi nhấn mạnh rằng Tehran "đã chuẩn bị cho khả năng cuộc đối đầu hoặc hợp tác" với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và các quốc gia phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran.
"Cuộc gặp mà báo chí nêu là câu chuyện bịa đặt của giới truyền thông Mỹ và có thể suy đoán động cơ đằng sau điều này", ông Araqchi nói.
Trước đó, báo New York Times đưa tin tỷ phú Musk - cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đã gặp đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc vào đầu tuần này.
"Theo tôi, sự bịa đặt của giới truyền thông Mỹ về cuộc gặp giữa Elon Musk và đại diện của Iran là một hình thức thăm dò tình hình để xem liệu có cơ sở cho một bước đi như vậy hay không", ông Araqchi nói.
"Chúng tôi vẫn đang chờ chính quyền mới của Mỹ làm rõ các chính sách của họ. Dựa trên đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh các chính sách của mình. Hiện tại chưa phải là thời điểm cho các cuộc gặp như vậy và cũng không phù hợp", ông Araqchi nói thêm.
"Không có sự cho phép nào từ lãnh đạo cho một cuộc gặp như vậy", ông Araqchi nhấn mạnh, ngụ ý nói đến Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người có quyền quyết định cuối cùng trong mọi vấn đề của nhà nước Iran.
Quan hệ giữa Tehran và IAEA trở nên tồi tệ vì một số vấn đề tồn đọng, trong đó có chuyện Iran cấm các chuyên gia giám sát về làm giàu uranium của cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc vào nước này. Iran cũng không giải thích dấu vết uranium được tìm thấy tại các địa điểm không báo cáo.
"Con đường hạt nhân của chúng tôi trong năm tới sẽ rất nhạy cảm và phức tạp, và chúng tôi đã chuẩn bị cho sự đối đầu hoặc hợp tác", ông Araqchi nói.
Ông cho biết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà ông Trump đã rút từ nhiệm kỳ đầu tiên không còn nguyên giá trị đối với Iran nữa.
"Nếu việc đàm phán bắt đầu, hiệp ước hạt nhân có thể đóng vai trò là tài liệu tham khảo, nhưng nó không còn ý nghĩa như trước nữa. Chúng ta phải đạt được một thỏa thuận khả thi", ông Araqchi cho biết.