Indonesia vật lộn với cuộc chiến chống tin giả trước bầu cử ​

TPO - Được trang bị laptop, hơn 30 nhà báo cùng các nhà kiểm tra thực tế đang phải đấu tranh quyết liệt với một đội quân tung tin giả hùng hậu trước cuộc tranh luận tranh cử trực tiếp giữa đương kim Tổng thống Indonesia Joko Widodo với đối thủ của ông, Prabowo Subainto.
Người dân chụp ảnh tự sướng với hình ảnh của ứng cử viên Prabowa Subainto, đối thủ của đương kim tổng thống Joko Widodo

Với hai chiếc màn hình lớn truyền chương trình trực tiếp trước mặt, các chiến binh bàn phím hiện đang chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm  đảm nhiệm việc kiểm tra tình hình thực tế tại cuộc tranh luận này.

Trong suốt ba giờ đồng hồ ấy, các cặp mắt dường như dán vào màn hình TV để cố phân tích các lời nhận xét của các ứng cử viên theo thời gian thực tế, chẳng hạn như các cáo buộc về tham nhũng, các con số thống kế về số người Hồi giáo ở đất nước này, những lời khoác lác và thậm chí cả các giai thoại cá nhân.

Họ và các nhà kiểm tra thực tế khác đang đấu tranh trong một cuộc chiến tranh cử để chống lại các tin tức giả mạo và các tin tức tuyên truyền cho ngày bầu cử 17/4, cuộc bầu cử dân chủ lớn thứ ba trên thế giới. Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống dân chủ thứ tư ở Indonesia.

Các nhà giám sát bầu cử hiện đang lo ngại rằng, các luồng thông tin sai sự thật về người thiểu số và các chia rẽ tôn giáo có thể sẽ làm phá hoại các đơn vị bầu cử và thậm chí gây căng thẳng xã hội.

Sáng kiến Cekfakta (tiếng Indonesia có nghĩa là “kiểm tra thực tế” ) sẽ đưa tổ chức kiểm tra thực tế phi lợi nhuận Mafindo và 24 cơ quan báo chí của Indonesia xích lại gần nhau trong bối cảnh họ thường cạnh tranh khốc liệt với nhau trong các chiến dịch tranh cử.

Ông Wahyu Dhyatmika, Tổng biên tập của trang webTempo, người sáng lập Cekfakta cho biết: “Giờ đã có cơ quan giám sát trong mọi hoạt động. Là ứng cử viên, bạn không thể tung ra những lời chỉ trích vào không trung. Chúng tôi sẽ kiểm tra chúng”.

Quỹ Mafindo được Google News Lab hỗ trợ tài chính. Những tình nguyện viên của Cekfakta đã tiếp quản văn phòng của tập đoàn công nghệ khổng lồ này tại Jakarta ngày 30/3 vừa qua.

Dhyatmika mong muốn tránh sự lặp lại của cuộc bầu cử năm 2014 khi hai ứng viên Widodo và tướng về hưu Prabowo ra tranh cử. Lúc đó các phóng viên không được trang bị trước sự ngập lụt của tin giả lan truyền nhanh chóng khắp các mạng xã hội.

Giống như cuộc chiến chống ma túy

Các đối thủ của Cekfakta, những người tung tin giả, cũng ngồi trước màn hình và bơm ra hàng loạt các tin giả được ngụy trang là sự thật nhằm khai thác sự chia rẽ sắc tộc và tôn giáo.

Theo tổng kết dân số thế giới, dân số Indonesia là 269 triệu người, trong đó có nhiều người trẻ. Với hơn 100 triệu tài khoản facebook, Indonesia trở thành quốc gia có số người sử dụng facebook lớn thứ 3 thế giới và đứng thứ 5 sử dụng nền tảng WhatsApp và Instagram cũng như Twitter. Đó cũng là lý do tại sao các tin tức giả mạo ở Indonesia có thể đạt được hàng ngàn người xem trong vài giờ, mặc dù luật của Indonesia cấm viết và lan truyền những nội dung như vậy.

Ông Aribowo Sasmito, người đứng đầu tổ chức kiểm tra thực tế Mafindo, so sánh cuộc chiến chống tin giả giống như cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Ông cho biết: “Có các nhà máy sản xuất, có người buôn bán và có các nạn nhân. Hầu hết những người kết thúc bằng việc bị bắt giữ đều là nạn nhân. Họ đọc các tin giả đó và đều tin rằng đó là sự thật”.

Kể từ tháng 12 vừa qua, Mafindo đã có tài liệu về sự gia tăng các tin giả mạo chính trị bằng cách sử dụng tôn giáo và sắc tộc để nhằm vào cả hai ứng cử viên. Tổ chức này cũng đã tìm ra hàng chục câu chuyện bịa tạc đáng lo ngại . 

Sasmito cho rằng đây là kết quả tốt nếu các bài đăng đã được kiểm tra thực tế có thể đạt tới một phần nhỏ khán giả mà bản gốc đã làm là tốt rồi. Tuy nhiên, công việc này của Mafido cũng đã khiến họ có một số kẻ thù. Nhóm này đã nhận được khá nhiều lời đe dọa và trang web Cefakta đã bị tin tặc tấn công sau cuộc tranh luận trước đây.

Đội quân viết tin giả

Một nhà báo cho biết, anh được các cố vấn của chiến dịch tranh cử của ông Prabowo thuê viết các bài tích cực về ông Prabawo và bài tiêu cực nhằm vào ông Widodo để đăng lên các trang mạng xã hội như Facebook và WhatsApp.

Anh cho biết, anh làm việc không phải vì động cơ tiền bạc nhưng tin rằng các báo chí chính thống thường có xu hướng ủng hộ ông Widodo.

Sợ bị trả thù, anh đã từ chối không nêu tên, nhưng cho Reuters biết rằng, anh ta thường xuyên liên hệ với các cố vấn của ông Prabowo.

“Chúng tôi có bằng chứng từ các mối liên hệ của chính phủ và chúng tôi có thể thấy họ là quân nhân từ vẻ bề ngoài của họ”, anh cho biết nhưng từ chối không chia sẻ những bằng chứng đó.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Prabowo là Andre Rosiadi đã phủ nhận việc có bất kỳ cố vấn nào đã thuê nhà báo viết các nội dung tích cực hay tiêu cực và đặc biệt là không có tin tức giả mạo.

Các chuyên gia cho rằng, sự phân cực như thế này là hết sức nguy hiểm cho Indonesia và có thể gây ra làn sóng phẫn nộ chống lại các cộng đồng thiểu số.

Ông Dhyatmika của Cekfakta cho biết: “ Những tin tức giả mạo như thế này đã tạo ra được sự lôi kéo bởi vì chúng là mầm mống của sự không bao dung trong xã hội Indonesia. Và chúng lại không  được giải quyết triệt để”.

Theo Reuters