Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm cũng chấp nhận một phần kháng cáo của vợ bị cáo Sĩ là bà Phan Thị Lịch Sa về việc giải tỏa kê biên tài sản. Theo đó, bà Sa được hủy lệnh kê biên đối với một căn nhà (bà Sa kháng cáo xin hủy lệnh kê biên đối với 2 căn).
Trước đó, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ mức án chung thân về tội “nhận hối lộ”. Sau đó, Sĩ đã kháng cáo kêu oan. Tại phiên phúc thẩm, Sĩ tiếp tục kêu oan, cho rằng mình không hề nhận hối lộ từ quan chức Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) số tiền 262.000 USD, không thỏa thuận ăn chia, không làm lợi cho công ty này. Các luật sư bào chữa cho Sĩ còn cho rằng, các chứng cứ kết tội ông Sĩ vốn là lời khai của quan chức PCI mà Tòa án Tokyo – Nhật Bản cung cấp không có giá trị pháp lí, không đúng với pháp luật Việt Nam . Từ đó đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Sĩ.
Từ chỗ nhận định 3 tỉ đồng mà bà Phan Thị Lịch Sa nộp lại cho Cơ quan Thi hành án TP. Hồ Chí Minh là tiền khắc phục hậu quả, đại diện VKSND Tối cao đã đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo Sĩ từ chung thân xuống còn 20 năm. Đây cũng là lí do để HĐXX cấp phúc thẩm giảm án cho ông Sĩ cùng với lí do về lí lịch nhân thân, quá trình đóng góp trong công tác của bị cáo. Tuy nhiên, theo như lời bà Sa, số tiền này bà nộp lại để được dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản 2 căn nhà chứ không phải nộp để khắc phục hậu quả cho chồng.
Án sơ thẩm còn khẳng định, việc tách 6 hành vi nhận hối lộ khác do Sĩ thực hiện xảy ra tại dự án nói trên để điều tra tiếp của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an là đúng luật. Từ đó, toà kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và TAND Tối cao sớm điều tra tiếp đối với 6 lần nhận hối lộ (số tiền hơn 2 triệu USD) để sớm đưa ra xét xử.
Cũng liên quan đến vụ án này, sau hai cấp xét xử, Huỳnh Ngọc Sĩ đang phải thi hành bản án 6 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ”. Cùng tội danh này, cấp dưới của Sĩ là Lê Quả bị án tù 5 năm.
Theo TTXVN