Huyền thoại trường thọ xuyên 3 thế kỷ

TP - Cụ ông Lý Khánh Viễn (Li Qingyuan) quê ở Khai Huyện, tỉnh Tứ Xuyên được cho là người sống lâu nhất ở Trung Quốc thời cận đại (256 tuổi), tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có tài liệu xác thực thông tin này. 
Ảnh cụ Lý Khánh Viễn trên báo thời Dân Quốc

Thọ 256 tuổi

Theo báo chí nước ngoài, Lý Khánh Viễn sinh năm 1677 và mất năm 1933, thọ 256 tuổi. Theo những thư tịch có được, ông là một học giả về y học cổ truyền và đại sư khí công Trung Quốc vào cuối triều đại nhà Thanh và đầu thời Trung Hoa Dân quốc và là cụ già trường thọ nổi tiếng của thế giới. Theo dân gian kể lại, ở tuổi 100, ông đã nhận được giải thưởng đặc biệt của chính phủ vì những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực y, dược học cổ truyền Trung Quốc.

Ông kể lại khi 200 tuổi vẫn đi giảng bài tại trường đại học. Trong thời gian này, ông đã được nhiều học giả phương Tây tới thăm. Ông thực sự sống lâu hơn cụ bà Phó Tố Thanh, người phụ nữ Trung Quốc sống lâu nhất thế giới và hơn hai lần tuổi thọ của Ali Mihan, người từng được coi là “Đệ nhất thọ tinh” của Trung Quốc. 

Cụ Lý Khánh Viễn
Năm 1933, cụ Lý Khánh Viễn, người được cho là đã sống 256 năm, qua đời. Cụ có cả thảy 24 người vợ và 180 con cháu. Theo lời tự kể của Lý Khánh Viễn với một nhà báo thì cụ đã mai táng 23 người vợ và khi đó đang sống với người vợ thứ 24 khi đó đã 60 tuổi, tức là hai người kém nhau 196 tuổi. Tuy nhiên bài báo đó rất khó chứng minh là sự thật. Tờ New York Times và tạp chí TIME của Mỹ khi đó đều đưa tin về cái chết của cụ.

Với tuổi thọ này mà tính toán thì cụ Viễn có lẽ được sinh ra vào năm thứ 16 của triều Khang Hy vào thời nhà Thanh (1677) và đã trải qua 9 triều vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự và Tuyên Thống thuộc vương triều Mãn Thanh và Trung Hoa Dân Quốc, tại thế 256 năm, là một “Thọ tinh” cực kỳ hiếm thấy trên thế giới.

Bí quyết trường thọ

Năm Lý Khánh Viễn 250 tuổi, một người đồng hương tên là Lưu Thành Huân ở Tứ Xuyên đã đến thăm và có buổi phỏng vấn đặc biệt với cụ Viễn. Cụ đã kể về các cách rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, cộng thêm những kinh nghiệm và bài học dưỡng sinh trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Những bí quyết này được Lưu Thành Huân ghi chép tỉ mỉ, sau đó tổ chức lại thành một bài viết có tựa đề “Tự thuật”, cho đến nay vẫn được coi là tác phẩm kinh điển về sức khỏe con người. Bài phỏng vấn được công bố trên tạp chí “Khí Công” số 6/1989.

Năm 1928, cuốn “Trường sinh bất lão quyết” (Bí quyết trường sinh không già” của cụ đã được xuất bản. Trong sách cụ không đề cập đến tuổi của mình, nhưng tự thuật then chốt của trường sinh là ở khí công kiện thân; đề xuất dùng phương pháp “cương nhu tương tế, âm dương điều hòa” để rèn luyện thân thể. Lý Khánh Viễn cho rằng có ba nguyên nhân khiến cụ mạnh khỏe và trường thọ: một là ăn chay lâu dài; hai là, luôn giữ bình tĩnh và vui vẻ nội tâm; thứ ba là thường xuyên uống nước đậu đen, rau răm, cần tây, kim ngân hoa, sơn tra, trà xanh, rong biển, hoa cúc mà cụ gọi là “Trường sinh phương” để duy trì “tam thông” của cơ thể (tức huyết thông, niệu thông, tiện thông – máu, nước tiểu và phân). Đó chính là chỉ dẫn bí quyết trường thọ mà Lý Khánh Viễn để lại cho hậu thế.

Chưa có bằng chứng xác thực

Tuổi thọ của cụ Lý Khánh Viễn là một chủ đề tranh luận liên tục suốt từ thế kỷ trước đến thế kỷ này. Mặc dù trong lịch sử không có dữ liệu rõ ràng cho thấy liệu Lý Khánh Viễn có thực sự sống đến 256 tuổi hay không, nhưng nhiều người sẵn sàng tin rằng cụ thực sự sống đến 256 tuổi; bởi vì nếu điều này là sự thật, có nghĩa là cuộc sống của con người có thể tiếp cận và vượt qua ngưỡng 256 tuổi này, điều này khiến người ta hâm mộ và phấn chấn.

Việc Lý Khánh Viễn thọ đến 256 tuổi hầu hết là chuyện lưu truyền trong dân gian, không có bằng chứng thuyết phục nào để tra cứu. Một số phóng viên tìm đến kho lưu trữ thư viện của Khai Huyện, Vạn Châu để tìm hiểu. Kết quả phát hiện thấy, câu chuyện về thày lang Lý Khánh Viễn trường thọ bắt đầu được nói đến bởi quân phiệt Tứ Xuyên Dương Sâm. Ông ta đã cho người chụp bức ảnh toàn thân cho cụ, đem phóng to rồi trưng bày trong tủ kính, ghi rõ “Ảnh cụ già 250 tuổi Lý Khánh Viễn người Khai Huyện, chụp ở Vạn Châu tháng 3, mùa Xuân năm Dân Quốc thứ 16 (tức 1927)”.

Đến năm Dân Quốc thứ 22 (1933), Tưởng Giới Thạch biết chuyện liền ra lệnh cho Dương Sâm tìm cách hộ tống Lý Khánh Viễn về Nam Kinh “để nhân sỹ trong, ngoài nước cùng chiêm ngưỡng Thọ Tinh của nước ta và làm rõ đạo dưỡng sinh mà ông đã tu luyện”. Nhưng đến ngày 15/9/1933, tờ “Vạn Châu Nhật báo” đưa tin: “Cụ ông 256 tuổi ở Khai Huyện Lý Khánh Viễn đã qua đời vì bệnh, an táng tại Lý Gia Loan, thôn Nghĩa Học, thị trấn Trường Sa, Khai Huyện”. Tưởng Giới Thạch rất thương tiếc. Dương Sâm để bù đắp nỗi thương tiếc của “Tưởng Tổng thống” đã tổ chức xuất bản cuốn “Ghi chép chân thực về cụ già trường thọ 250 tuổi”. Thật giả của câu chuyện về Lý Khánh Viễn thật khó phân biệt.

Hiện nay, phần lớn giới nghiên cứu đều cho rằng: Lý Khánh Viễn (có tài liệu ghi là Lý Thanh Vân) trường thọ là thật, nhưng do yêu cầu của thời cuộc nên quân phiệt địa phương (Dương Sâm) đã nhúng tay vào nhào nặn nên số tuổi 256 của cụ để lấy lòng Tưởng Giới Thạch.