Huyền bí chuyện những “chúa tể lòng sông” lớn lên trong lồng sắt

Những con cá chiên khổng lồ, có khi nặng tới 70 - 80kg với cái đầu to lớn, bèn bẹt, đen sẫm, cứng như đá, đã từng được miêu tả như những “quả bom tấn” đen sì, có khi vàng ươm chìm dưới đáy sông...
Cá chiên - "thủy quái" sông Gâm

Cách đây quãng chục năm, đồng bào vùng cao huyện Bắc Mê - Hà Giang và những tay “sát cá” đã làm chao đảo giới ăn chơi, bởi liên tục xuất hiện những hình ảnh họ săn được cá chiên khổng lồ mấy chục cân - loài cá da trơn hung dữ, được mệnh danh là “chúa tể lòng sông”.

Miếng thịt nàng nạc, mỡ màng, xắt khúc, thơm ngon, vàng ươm như nghệ được đặt lên bàn phục vụ các đại gia với đủ món. Nó đắt đỏ và hấp dẫn đến mức khiến người ta sẵn sàng lao vào những cuộc săn vét lòng sông, đưa những “thủy quái” lên bàn tiệc, bất chấp cả sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm tính mạng nơi dòng nước xiết sông Gâm.

Nhưng những năm gần đây, cá chiên khổng lồ dần thưa bóng. Những người một thời coi việc săn cá chiên là công việc kiếm sống hằng ngày thì nay đã dần “giải nghệ”. Họ quay sang làm một nghề mới yên bình hơn, dễ sống hơn, ấy là đem nhốt loài “thủy quái” sông Gâm vào lồng, nuôi lớn từ khi còn trứng nước. Họ nuôi “thủy quái” như người dưới xuôi nuôi cá rô, cá mè vậy.

Một thời nức tiếng

Sông Gâm là một trong những dòng chảy quan trọng bậc nhất vùng Đông Bắc, là thủy lộ nối liền 4 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn. Sông Gâm nổi tiếng không chỉ bởi sự hùng vĩ, ẩn chứa những vẻ đẹp nguyên sơ của chốn “sơn cùng thủy tận”, mà nó còn là nơi cư ngụ của “ngũ quý hà thủy” (cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên, cá lăng, cá bỗng). Cá chiên - loài cá sống ở vùng nước xiết, đằm mình trong những hang hốc dưới đáy sông, to lớn, lừ đừ trôi như khúc gỗ mục sần sùi vẫn thường được bà con đôi bờ sông Gâm mệnh danh là “thủy quái”. Trước đây, việc đánh bắt cá chiên là một cửa kiếm sống nhưng cũng là một nỗi kinh hoàng của dân chài lưới.

Những con cá chiên khổng lồ, có khi nặng tới 70 - 80kg với cái đầu to lớn, bèn bẹt, đen sẫm, cứng như đá, đã từng được miêu tả như những “quả bom tấn” đen sì, có khi vàng ươm chìm dưới đáy sông, có khi giống như “thây người” nằm sấp trên khoang thuyền lớn khi bị bắt. Thịt cá chiên thơm ngon nổi tiếng, có màu vàng như nghệ, khi xắt khúc, xả thành từng súc thịt nhìn chắc nịch, hấp dẫn.

Đặc biệt, thuở xưa, khi cá chiên chưa là thứ hàng hóa ẩm thực xa xỉ như bây giờ, ở nhiều bản làng dọc sông Lô, sông Gâm, sông Đà, mỗi khi bắt được các cá chiên khổng lồ, bà con vẫn thường mở tiệc khao lớn lắm. Họ xả thịt cá chia cho cả bản, ăn không hết thì làm thịt chua, rồi ướp muối, treo lúc lỉu trên gác bếp. 

Một thợ chài ven sông Gâm kể: “Ngày trước, sông Gâm có những con cá chiên to đến mức riêng bộ lòng cá, có khi làm được cả đôi mâm cỗ. Cái dạ dày cá chiên to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật. Đám thợ săn cá chiên có khi chỉ lấy bộ lòng rủ nhau đánh chén, còn cả thân cá mấy chục cân chia hết cho dân làng”.

Cái thời ấy có lẽ đã đi vào dĩ vãng, khi loài cá chiên càng ngày càng hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt tràn lan. Ông Nguyễn Văn Nguyên (tổ 1 - thị trấn Yên Phú - huyện Bắc Mê) trước đây là một tay săn cá điêu luyện. Trong cuộc đời làm nghề chài lưới của mình, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần người ta bắt được cá chiên khổng lồ, bản thân ông cũng từng tham gia vào những cuộc xẻ thịt cá chiên đầy hứng khởi ấy: “Tôi chỉ đi bắt cá chiên bằng lưới thôi. Khi đã mắc vào lưới rồi, nó giãy nhiều nó sẽ mệt, mình đỡ tốn sức. 

Cách đây khoảng 4 - 5 năm, vùng Bắc Mê này có cá chiên khoảng 35 - 40 cân là chuyện bình thường, chính tay tôi đã từng mổ thịt những con như thế. Năm nào mà tôi chả bắt được cá chiên; có năm bắt được 2 - 3 con. Tháng 8 - 9 là đúng mùa để đi săn cá chiên đấy. Trước thì có cá to 40 - 50 cân, mấy năm nay chỉ còn loại cá 20 cân. Bán mỗi con như thế cũng được khoảng 12 triệu”.

Có lẽ cuộc đời “gạo chợ nước sông”, đặc biệt là những hiểm nguy, vất vả khi đêm ngày vật lộn với dòng sông Gâm nước xiết khiến cho ông Nguyên có nhiều trăn trở suy nghĩ: “Hằng ngày tôi đi dọc sông Gâm đánh bắt cá. Nhưng nghĩ mình đi làm mãi thế này thì vất quá, mình phải quay sang nuôi nó thì mới lâu dài được. Thế là tôi bắt đầu nuôi cá chiên. Đầu tiên là lấy giống từ những người đi đánh bắt ở đây, bắt được cá nhỏ thì cũng mang về nuôi. Đến giờ thì Viện thủy sản đã nghiên cứu ấp nở được con giống rồi”.

Con cá chiên khổng lồ nặng gần nửa tạ mà thợ cá săn được trên dòng sông Gâm

Ở huyện Bắc Mê - Hà Giang cũng có nhiều người nuôi cá chiên, nhưng những người dám đánh liều bỏ ra cả vài trăm triệu đồng để nuôi “thủy quái” như ông Nguyên thì không nhiều. Chấp nhận nuôi loại cá “đặc sản”, phải bỏ số vốn liếng khổng lồ với những cư dân vùng cao, đó là điều không đơn giản. “Riêng một cái lồng này nuôi cá chiên là mất khoảng 50 triệu tiền giống rồi. Đã thế, mỗi lứa cá chiên phải mất hàng năm mới được thu hoạch” - ông Nguyên giãi bày.

Đã có thâm niên hơn chục năm nuôi cá chiên trên sông Gâm, ông Nguyên đã nếm trải đủ những khó khăn, vất vả, cả những thất bại để đời với những bài học xương máu trong nghề nuôi loài cá hiếm này. Ông Nguyên vẫn còn nhớ như in cái thuở ban đầu liều lĩnh của mình khi ông bỏ số vốn hơn 300 triệu đầu tư vào thuyền bè, lồng, con giống để nuôi cá chiên.

Ông kể giọng quả quyết: “Cá chiên không bao giờ ăn cám. Thức ăn của nó là nguyên các loại cá tép, cá con loại có vảy; cá da trơn, cá ngạnh là nó không ăn. Ngoài môi trường tự nhiên nó ăn thế nào thì mình phải cho nó ăn đúng như thế. Đến bây giờ, tôi vẫn cứ đi đánh bắt, mỗi ngày ít nhất phải bắt được 5 - 7kg cá con để làm thức ăn cho các lồng cá chiên. Hôm nào không đánh bắt được lại phải đi mua cá con về cho chúng ăn. Cũng hơi vất một chút nhưng mà thu nhập đã ổn định hơn, đời sống đỡ bấp bênh hơn. Cá chiên của tôi nuôi để cung cấp cho thị trường đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn ở mãi tận Hà Nội cơ đấy”.

“Chúa tể lòng sông” lớn lên trong lồng sắt

Tôi đến Bắc Mê vào mùa mưa, nước sông Gâm cuồn cuộn đỏ ngầu như giận dữ. Dòng nước chảy xiết đến mức những khúc cây to cả người ôm và cả những cây cỏ mềm như lạt giang cũng không vướng vất gì trên mặt nước được, cứ trôi tuột mãi về hạ lưu. Bên dòng chảy ấy, những lồng cá chiên bằng sắt của ông Nguyên và ông Hà nằm gần sát bờ, được gắn chặt với những chiếc thuyền, nơi sinh sống của gia đình họ. Muốn đến thăm nhà và bè cá của hai ông, người ta phải đi qua một chiếc cầu nhỏ bắc bằng 3 cây tre già bập bõm trên mặt sông.

Nước đục đến nỗi, tôi không thấy một con cá nào, chỉ nghe tiếng nước vỗ vào mạn thuyền ì oạp. Mỗi lồng nuôi cá chiên rộng 3 mét, dài 6 mét, sâu 1,5 - 2,5 mét, nuôi được khoảng 400 - 500 con cá nhỏ. Khi cá lớn được tách đàn và nuôi từ 100 - 130 con/lồng. Cá chiên sống theo bầy đàn. Mùa nước đục, không ai có thể nhìn thấy một bóng cá nào vì chúng không nổi lên mặt nước. 

Nhưng đến mùa nước trong, từng lớp cá chiên nằm chồng chất lên nhau như xếp bánh, im thin thít, lành hiền đến khó tả, người ta quờ tay chọc vào nó, nó lặng lẽ bơi ra chỗ khác, rồi lại… nằm im. Một năm, cá chiên chỉ ăn trong 3 - 4 tháng, đến mùa đông, chúng sẽ “ngủ đông” như loài gấu, có rải thức ăn chúng cũng không thèm động đến. Lứa cá chiên to nhất hàng trăm con mà ông Nguyên đã từng nuôi được và “xuất chuồng”, mỗi con nặng ngót nghét 10kg khiến người ta phải vác cá đi như vác cái bình ga; mỗi kilôgram cá chiên có giá đến 600 nghìn đồng, mang về cho ông một khoản tiền không nhỏ.

Lâu năm gắn bó với nghề, ông Nguyên hiểu đàn cá, chăm sóc cho đàn cá như là những đứa con đẻ của mình vậy. Ông tâm sự: “Cá chiên ngoài tự nhiên thì hung dữ, nhưng cá chiên nuôi lại khá lành hiền. Nuôi cá chiên là mình phải sống với nó, phải nằm nghe xem nó thiếu cái gì, no đói thế nào để mà lo lắng cho nó. Khi đói, cá chiên sẽ cựa lồng, nó sẽ kêu khiến mình không ngủ được, chỉ có khi no là nó nằm im. Khi có con cá nào lội như cá cảnh, chạy trên mặt nước thì mình biết là nó bị bệnh rồi, phải bỏ nó đi. Nhiều lúc nhìn cá bị ốm mà thương lắm”.

Khu thuyền bè nuôi cá chiên của ông Nguyên, ông Hà trên sông Gâm đoạn chảy qua Bắc Mê.

Vào nghề nuôi “thủy quái” sau ông Nguyên, ông Trần Thanh Hà (tổ 1 - thị trấn Yên Phú - huyện Bắc Mê) còn chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông cũng không tránh khỏi những sai lầm ban đầu trong nghề. Ông Hà kể, giọng buồn buồn: “Thiệt hại nhiều chứ, vấp váp nhiều chứ. Bên nhà tôi đây, hồi tháng 3 tôi thả 1.000 con giống mà tính tròn số là chết mất 700 con. 1.000 con giống là hơn năm chục triệu, chưa kể tiền công vận chuyển đâu. Biết nhà nước có chương trình hỗ trợ dân miền núi làm giàu, tôi đã hai lần làm đơn kêu cứu lên huyện, nhờ nhà nước hỗ trợ giúp đỡ rồi mà vẫn chưa có ai giúp cả”.

Cái khó khăn trong nghề nuôi cá chiên cũng không chỉ có thể, nó còn khá đặc biệt, không giống những nghề nuôi cá khác. Ông Hà kể: “Cá chiên rất chậm lớn. Từ lúc bắt con giống về nuôi đến khoảng 2 cân rưỡi, 3 cân đổ lại là nó lớn nhanh. Từ 3 cân trở đi nuôi đến 7 - 8kg là nuôi rất lâu, mỗi năm nó chỉ lớn được mấy lạng thôi dù nó vẫn ăn lượng thức ăn như thế. Những con cá mấy chục cân dưới lòng sông mà người ta bắt được nó phải sống hàng chục năm rồi”.

Có nhiều khi, ông Hà vì lặn lội đi tìm dòng cá đánh bắt để làm thức ăn cho cá chiên mà bị cả đàn ong bủa vây, đốt cho “lên bờ xuống ruộng”. Cũng có khi, đàn cá chiên háu ăn, quẫy đạp nhau, đâm hàng tá vây cứng nhọn vào tay chân của chủ. Ông Hà ngửa hai cánh tay lên, giơ ra phía trước mặt rồi chỉ trỏ từng lỗ ở tay: “Những cái lỗ sâu này chưa biết bao giờ mới đầy thịt lên được. Nhưng mà nghề nuôi cá chiên thì chắc không thể bỏ được đâu”.

Ông Nguyên, ông Hà đang chỉnh trang lại lồng nuôi nhốt, nơi thuần phục loài “thủy quái” trên sông Gâm.

Cá chiên là loài cá hoang dã, dữ tợn nhưng những người thợ nuôi cá đang dần “thuần phục” loài cá này, đưa nó đến gần hơn với đời sống con người. Sông Gâm nước xiết, nhiều thác ghềnh và nguy hiểm nổi tiếng, những người đánh bắt cá sông Gâm vẫn luôn phải đối mặt với “sinh nghề tử nghiệp”, nhất là việc bỏ mạng khi săn cá chiên “thủy quái” gần như không còn nữa.

Nuôi được cá chiên rồi, những rủi ro tàn khốc trong nghề săn bắt cá chiên dưới lòng sông sẽ giảm đi đáng kể. Họ sẽ không còn phải liều mạng nhảy tùm xuống đáy sông nước xiết mà lặn sâu vào tận hang cùng ngõ hẻm của dòng sông Gâm tìm săn “thủy quái” để rồi máu tai, máu mũi rỉ ra, có khi tử nạn. “Tôi bị ong đốt phù hết cả người lên, rồi cá nó đâm cho lỗ chỗ hết cả chân tay đây thì cũng vẫn là may cô ạ. Nói chung nghề nào nghiệp nấy mà. Khối người đi săn cá chiên còn mất mạng ấy. Mình vẫn còn yên bình chán” - ông Hà lặng lẽ ngẫm ngợi.

Ông Trần Mạnh Tuyên - Chánh văn phòng huyện ủy Bắc Mê, nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Mê - cho biết: “Nuôi cá chiên trên sông Gâm là một hướng đi tích cực, có hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Tuy nhiên, nghề này cần số vốn đầu tư khá lớn, mà người dân thì còn nghèo. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền để giúp đỡ cho người dân có thể phát triển nghề này, vừa có thể giúp người dân thoát nghèo, vừa bảo tồn được loài cá chiên sông Gâm vô cùng quý hiếm và giá trị”.

Theo Theo Dân Việt