Thi thoảng, vài người dân tập thể dục buổi sáng dừng lại ngắm mặt nước xanh biếc tĩnh lặng và chờ xem cụ Rùa có vì chút xáo động mà nổi lên hay không…
Vận hành êm ái
Sáng 18/11, ven hồ Gươm, đoạn đối diện với đường Bảo Khánh, công tác hút bùn lòng hồ Gươm chính thức khởi động. Nhiều người dân Thủ đô lần đầu tiên được chứng kiến cảnh nạo vét hồ Gươm “rất khác”. Không ồn ào, không bề bộn.
Trầm tích đáy hồ cứ theo hệ thống bơm chảy vào giàn máy ép, từ đó, bùn đen từng miếng mỏng dính như sô cô la theo băng chuyền rơi xuống thùng chứa rồi xe đến cẩu đi chôn lấp ở khu xử lý Yên Sở. Hết lượt này đến lượt khác. Mặt hồ khu vực đặt máy bơm và chiếc thuyền nổi điều khiển mang tên SediTurtle không gợn chút sủi tăm.
“Tôi đã từng chứng kiến hai lần nạo vét hồ Gươm. Nhưng đều theo phương pháp thủ công, phải hút nước ra, vét bùn lên rồi lại bổ sung nước mới. Làm như thế rất mất thời gian, nghe nói giết chết nhiều vi sinh vật chỉ có riêng ở hồ Gươm. Chưa bao giờ tôi thấy nạo vét hồ theo cách hiện đại, êm ái thế này” – Bác Nguyễn Long, phường Nguyễn Du, cho biết.
Nhiều người chạy bộ buổi sáng quanh hồ, ngang qua mới biết sự kiện này. Ở những góc khác của hồ, khách du lịch vẫn lặng ngắm vẻ đẹp cầu Thê Húc trong sương sớm đầu Đông.
Phải chú ý lắm mới nghe thấy tiếng máy chạy rì rầm trong khu vực lắp đặt giàn máy. Mọi hoạt động đều diễn ra trong tĩnh lặng, hạn chế tối đa những tác động dù nhỏ nhất tới cụ Rùa.
Nước lẫn bùn lỏng vẫn đều đều theo ống hút chảy từ lòng hồ vào thùng chứa. Tại đây, bùn lỏng được khuấy đều với một hóa chất được gọi là keo tụ, giúp kết tủa nhanh, sau đó đưa lên máy ép. Nước ép từ bùn theo đường ống đổ ra hệ thống nước thải chung của thành phố.
Lần theo đoạn đường ống dẫn nước ép bùn, chúng tôi chứng kiến nước chảy ra từ miệng ống trong veo. Hệ thống tự động toàn bộ, chỉ có vài kỹ sư và công nhân đứng giám sát, điều chỉnh máy.
Sẽ xem xét mở rộng toàn hồ
Ngay từ sáng sớm, các chuyên gia người Đức đã có mặt. Một nhóm cho thuyền ra khảo sát khu vực mặt nước, nhóm khác ở trên bờ vận hành giàn máy. Mọi công việc đều được tiến hành hết sức tỉ mỉ, thận trọng.
Bùn hút lên được ép tách thành bánh - Ảnh: Hồng Vĩnh
Trước đó, người ta đã quây lưới kín 1.000m2 hồ diễn ra hoạt động hút bùn. Trong quá trình quây lưới, công nhân phải dò dưới lòng hồ để đánh động cho cụ Rùa nếu có trú ở đây thì biết mà dời tạm đi nơi khác. Khi yên trí cụ Rùa không ở đó, cửa rào được đóng kín lại.
Có mặt tại buổi thử nghiệm hút bùn hồ Gươm, ông Vũ Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết: Qua chạy thử, hệ thống đảm bảo tiến hành tốt các công tác tiếp theo. Quá trình hút không làm xáo động nước hồ là một điểm rất tốt của công nghệ.
Trong quá trình chạy thử, các đơn vị phối hợp với dự án phải phân tích nước và bùn sau khi ép tách, mang đi phân tích, có đánh giá. Kết quả ra sao mới quyết định có đưa nước đó trở lại hồ hay không. Sau khi kiểm tra, đánh giá mọi công đoạn mới xem xét có mở rộng ra hút bùn toàn hồ hay không.
Chỉ ra mặt nước hồ xanh biếc, nổi bật màu đỏ chạy dài của đường ống hút bùn, ông Lê Văn Dục - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vui mừng: “Nhìn mặt nước kìa, không thấy động tĩnh gì. Áp lực máy hút rất nhỏ nên không làm khuấy động môi trường nước xung quanh.
Chuyên gia điều khiển máy nạo hút bùn - Ảnh: Hồng Vĩnh
Công suất thiết kế của máy là 50m3/h hút cả bùn và nước, nhưng do phải tiến hành thận trọng nên chỉ hút ở mức 30m3/h”.
Ông Dục cũng cho biết, khi ép ra thì một nửa nước, một nửa bùn. Nước hồ hiện đang giữ ở mức 1,8 m nên không ảnh hưởng gì sau khi hút bùn ở diện tích 1.000m2. Hóa chất để lọc nước được mang từ Đức sang, có tác dụng giúp kết tủa nhanh.
Không quản ngại tiết trời giá rét, “nhà rùa học” Hà Đình Đức cũng có mặt ở hồ Gươm từ sớm. Ông đã chờ đợi ngày này từ cách đây bốn năm, khi lần đầu tiên các chuyên gia Đức sang Việt Nam đặt vấn đề giúp xử lý môi trường hồ Gươm bằng phương pháp hiện đại.
Phương pháp này đã được thực hiện thành công ở hơn 100 hồ của Đức hơn 20 năm qua và mới đây là ở Thái Lan.
Công nghệ hút bùn hiện đại của Đức được áp dụng trên 1/10 diện tích hồ. Hệ thống làm sạch nước hồ có ba đơn nguyên, bao gồm kỹ thuật hút bùn; ép bùn trên băng tải rồi tách ra khỏi nước; xử lý nước sau khi hút bùn rồi trả lại hồ.
Áp dụng kỹ thuật địa điện thủy văn hiện đại cho phép giữ nguyên nước trong hồ, bảo tồn màu xanh đặc trưng của hồ cùng với hệ vi tảo đặc hữu, bảo vệ môi trường sống của cụ Rùa.
Trước khi tiến hành hút bùn ở hồ Gươm, các chuyên gia Đức cũng đã thử nghiệm công nghệ này thành công tại Ao cá Bác Hồ.
Việc hút bùn dự kiến kéo dài trong 35 ngày, từ 3/11 – 6/12/2009, bao gồm cả lắp đặt, vận hành và tháo dỡ thiết bị.