Hướng nghiệp ở phổ thông: Cưỡi ngựa xem hoa

TP - Ngày 10 - 4 là hết hạn nộp hồ sơ tuyển sinh ở các địa phương nhưng đến giờ nhiều bạn trẻ vẫn lúng túng trong việc chọn nghề lập nghiệp. Theo họ, vai trò của trường phổ thông trong việc giúp họ chọn nghề rất mờ nhạt.
Định hướng nghề nghiệp trong trường phổ thông vẫn rất mờ nhạt. (Trong ảnh: Học viên trường Trung cấp nghề Du lịch Hà Nội trình diễn tay nghề, học sinh lớp 12 đứng xem). Ảnh: Quý Hiên

Theo các chuyên gia tư vấn, tình trạng thanh niên tuy đã rời trường phổ thông nhưng vẫn loay hoay trước các ngả rẽ nghề nghiệp là khá phổ biến. Các em chọn nghề theo trào lưu, theo cảm tính mà không căn cứ vào các yếu tố quan trọng như năng lực bản thân, tính cách, sở trường... Đã vậy, sự hiểu biết về các nghề nghiệp trong xã hội của nhiều thanh niên còn hạn chế.

Không chỉ những em đã tốt nghiệp phổ thông mà ngay cả nhiều em đang học lớp 12 cho biết, cảm thấy đơn độc trong việc lựa chọn hướng đi cho mình. Bố mẹ ít quan tâm hoặc hiểu biết hạn chế nên không giúp được con đã đành mà nhà trường cũng không xem nhiệm vụ hướng nghiệp là quan trọng.

Một học sinh đang học lớp 12 trường THPT D. (Gia Lâm, Hà Nội) kể: “Thỉnh thoảng, chúng em cũng được học môn Hướng nghiệp nhưng thực tế chẳng được học gì về hướng nghiệp mà toàn phải học các môn văn hóa thay vào đó. Chẳng hạn, năm ngoái, khi còn học lớp 11, giáo viên chủ nhiệm lớp em dạy môn Hóa nên giờ hướng nghiệp được tận dụng để học bù môn Hoá”.

Học 9 tiết/năm biết chọn nghề gì?

Trao đổi với Tiền Phong, nhiều cán bộ quản lý các trường THPT thừa nhận, công tác hướng nghiệp các trường đều đã làm nhưng kết quả rất thấp. Nhận thức của học sinh (và cả phụ huynh) về nghề nghiệp mù mờ, giáo viên được giao nhiệm vụ này không coi trọng hướng nghiệp.

Về nguyên nhân của thực trạng này, thầy Nguyễn Danh Du, Phó Hiệu trưởng trường THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa, phân tích: “Giáo dục hướng nghiệp ở phổ thông chưa có nội dung, chương trình mang tính thực tiễn. Giáo viên chỉ kiêm nhiệm, thiếu hiểu biết về kiến thức này do không được đào tạo cơ bản. Các trường chưa tổ chức được các hoạt động cho các em đi tìm hiểu thực tế, tìm hiểu ngành nghề ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp”.

Theo nhiều nhà giáo, hiệu quả hướng nghiệp không cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh phổ thông đổ xô thi đại học.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) kể: “Đầu năm học này, nhân chuyến đến thăm trường của một đoàn học sinh Đức, trường Việt Đức tổ chức cuộc toạ đàm về việc chọn nghề trong tương lai. Qua cuộc tọa đàm, tôi nhận thấy có sự trái ngược giữa học sinh Việt Nam với học sinh Đức trong quan điểm về nghề nghiệp. Trong số 13 học sinh Đức chỉ có một em cho biết là mình sẽ đi học đại học, còn lại đều nói mình sẽ học nghề. Còn hầu hết học sinh Việt Nam đều bày tỏ nguyện vọng là sẽ thi đại học”.

Theo thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội), khó mà yêu cầu các trường coi trọng hướng nghiệp trong khi quan điểm từ trên cũng xem nhẹ.

Trước đây, nếu nội dung chương trình có 27 tiết hướng nghiệp/năm học thì nay chỉ còn 9 tiết/năm học. Với thời lượng ấy, kể cả giáo viên có chuyên môn thì việc hướng nghiệp cho học sinh cũng giống “cưỡi ngựa xem hoa”, huống hồ giáo viên kiêm nhiệm. “Sở dĩ có sự thay đổi này là do dư luận kêu chương trình học nặng quá. Bộ thấy cái nào quan trọng hơn thì Bộ lựa chọn”, thầy Đại chia sẻ.

Chỉ để tư vấn tuyển sinh

Nhiều cán bộ quản lý các trường phổ thông tự nhận thấy, công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay gần như chỉ phục vụ một mục tiêu: tư vấn tuyển sinh. Nếu trường nào tổ chức được các hoạt động thì nội dung trao đổi giữa học sinh và các chuyên gia tư vấn cũng chỉ xoay quanh vấn đề chọn khối thi nào, thi trường nào.

Với nhiều trường, hoạt động ngoài giờ lên lớp về hướng nghiệp chỉ đơn giản là cho phép một cơ sở đào tạo nào đó đến “tư vấn” (nhưng với mục đích là PR cho đơn vị mình).

Điều đáng nói là trong các tháng 2 và tháng 3, hoạt động tư vấn tuyển sinh được mở ra khá rầm rộ ở một số tỉnh/ thành khiến cho học sinh, phụ huynh ngộ nhận về tầm quan trọng của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ (cho đó là cơ hội tốt nhất trên con đường lập nghiệp).