Hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 62/2020/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Thông tư số 62/2020/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước

Thông tư này hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm đối với các khoản chi của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các khoản chi ngân sách có cơ chế hướng dẫn riêng theo quy định của cấp có thẩm quyền).

Việc chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi đảm bảo điều kiện chi theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13; có đủ hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ và hồ sơ đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi ngân sách nhà nước thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ KBNN cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp một số khoản chi chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng kinh phí để chủ động chi theo dự toán được giao, sau đó, đơn vị thanh toán với KBNN theo đúng quy định tại thông tư này.

Trường hợp các khoản chi thực hiện bằng hình thức giao dịch điện tử qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN, việc kiểm soát, thanh toán của KBNN phải tuân thủ quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định 165/2018/NĐ-CP và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.

Thông tư cũng quy định hình thức kiểm soát , thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN. Theo đó, thực hiện thanh toán trước, kiểm soát sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng; trong đó, KBNN tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp.

Còn kiểm soát trước, thanh toán sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi (trừ trường hợp đã áp dụng theo hình thức nêu trên); trong đó, KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán trong thời gian 2 ngày làm việc sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

Thông tư hướng dẫn cụ thể về kiểm soát chi đối với mua sắm tài sản công, trong đó có ô tô công. Theo đó, chi mua sắm xe ô tô phục vụ công tác các chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung, KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt dự toán chi tiết và giá mua xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Đối với chi mua sắm xe ô tô chuyên dùng, KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát đối tượng sử dụng, chủng loại, theo quy định tại văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức ô tô chuyên dùng của cấp có thẩm quyền ban hành (thẩm quyền ban hành theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP; Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 85/2018/NĐ-CP). 

Về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, Thông tư quy định KBNN phải chấp hành đúng quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp bất khả kháng do sự cố hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các nguyên nhân khách quan khác, thì đươc kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, song phải có thông báo rõ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính cuối cùng cho đơn vị.

KBNN cũng phải tham gia với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách; xác thực số thực chi, số tạm ứng, số dư kinh phí cuối năm ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách tại KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN phải thực hiện kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, chứng từ và từ chối thanh toán với trường hợp không đảm bảo theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6/8/2020.