Các cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội Israel và nhóm chiến binh Hamas ở Dải Gaza bùng phát hôm 10/5, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Phía Israel cho biết Hamas đã phóng tổng cộng 2.000 quả rocket và đạn cối từ Dải Gaza. Phần lớn trong số đó không vượt qua được biên giới, hoặc bị bắn hạ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel.
Đáng chú ý, trong đợt giao tranh mới nhất, Hamas không chỉ nhắm đến các thành phố Israel giáp biên giới, mà còn đe dọa an ninh các khu vực nằm sâu trong Israel, bao gồm thủ đô Tel Aviv và Jerusalem.
Tính đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng vì rocket của Hamas đã lên tới 9 người. Hàng trăm người khác đã bị thương.
Để đảm bảo an toàn, nhiều trường học ở Israel đã đóng cửa. Nhiều công sở thu hẹp quy mô hoạt động, và đường phố trở nên vắng vẻ vì người dân được yêu cầu ở trong nhà.
Cư dân Israel vùng biên giới mong chờ lệnh ngừng bắn, nhưng họ cũng biết rằng việc bạo lực bùng phát trở lại chỉ là vấn đề thời gian.
Shoval Machluf đã sống ở thành phố Ashkelon, miền Nam Israel kể từ khi cô sinh ra. Là một sinh viên 22 tuổi, Machluf đã quen với cuộc sống chìm trong bom đạn. Nhưng cô gái trẻ này vẫn khao khát một cuộc sống khác.
“Không thể sống như thế này. Cuộc đời tôi gắn với Ashkelon. Nhưng chiến tranh không dừng lại. Suốt 22 năm phải chứng kiến cái chết. Có nhiều đứa trẻ ở đây bị sang chấn. Điều đó thật kinh khủng”, Machluf nói.
Trên thực tế, nhiều trẻ em Israel đã mắc chứng Rối loạn Căng thẳng Sau chấn thương (PTSD), và bị ám ảnh với nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công.
Abraham Moshe, một cư dân khác của Ashkelon, cho biết nơi anh sống đã biến thành một thị trấn ma. Nhiều người đã bỏ nhà cửa đi trú ẩn, chờ tình hình ổn định trở lại.
"Chúng tôi muốn sống một cuộc sống bình thường và yên bình nhưng tiếc là họ không cho chúng tôi cơ hội", Yossi Landau, nhân viên Zaka, một tổ chức tìm kiếm và cứu nạn của Israel, cho biết. "Chúng tôi phải luôn mạnh mẽ."
Khi các chiến binh Palestine bắt đầu bắn rocket vào miền Nam Israel hồi năm 2001, họ chủ yếu sử dụng các loại vũ khí tự chế thô sơ. Nhưng theo thời gian, các vũ khí của Hamas ngày càng trở nên hiện đại.
Jonathan Rieck, trưởng khoa Cấp cứu tại Trung tâm Y tế Barzilai ở Ashkelon, cho biết: “Các vết thương ngày càng nghiêm trọng hơn, chứng tỏ vũ khí có sức sát thương cao hơn.”
“Lần này căng thẳng hơn các lần trước đó”, Amos Shavit, phát ngôn viên của trung tâm Barzilai, cho biết. "Chúng tôi đang cầu nguyện cho hòa bình."
Ảnh: Reuters, AP, Getty, AA
Minh Hạnh
Theo Tân Hoa Xã, Times of Israel