Hỗn loạn nổ ra lúc người dân đi làm buổi sáng, khi hàng trăm người biểu tình thuộc phong trào sinh viên bao vây khu Admiralty, nơi tập trung nhiều văn phòng và cửa hàng mua sắm. Trụ sở cơ quan hành pháp và tư pháp cùng nhiều cửa hàng bị buộc phải đóng cửa trong buổi sáng.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh nói rằng, cảnh sát đã rộng lượng nhưng giờ sẽ có “hành động cương quyết”. “Một số người đã nhầm lẫn sự tha thứ của cảnh sát là yếu đuối”, Reuters dẫn lời ông Lương Chấn Anh nói với báo giới.
Lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Alex Chow nói rằng, người biểu tình có ý định làm tê liệt trụ sở của chính quyền. “Kế hoạch nhìn chung đã thất bại, thực tế là nếu chúng tôi chiếm một số nơi, cảnh sát sẽ giải tán ngay lập tức”, Chow nói.
Hàng trăm cảnh sát chống bạo động tỏa đi khắp đám đông trong nhiều đợt xung đột suốt đêm, đẩy lùi người biểu tình bằng hơi cay và dùi cui. Nhiều tình nguyện viên y tế đã trợ giúp những người bị thương, bị bất tỉnh. Nhiều người bị thương ở đầu. Cảnh sát nói rằng, ít nhất 40 người bị bắt. Trụ sở chính quyền Hong Kong được mở cửa trở lại vào chiều qua.
Trung Quốc cấm cửa nghị sĩ Anh
Trong khi đó, một nhóm nhà làm luật người Anh nói rằng, Đại sứ quán Trung Quốc từ chối cấp visa cho họ vào Hong Kong. Trung Quốc hôm qua giải thích cho sự từ chối này, mô tả chuyến đi mà các nghị sĩ Anh lên kế hoạch là “công khai đối đầu”.
Các nhà làm luật thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đang rà soát lại công việc của Bộ Ngoại giao để xem xét quan hệ của Anh với đặc khu của Trung Quốc 30 năm sau khi hai nước đưa ra Tuyên bố chung 1984, trong đó có điều khoản trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc vào năm 1997. Nhóm nghị sĩ này được Đại sứ quán Trung Quốc tại London thông báo rằng, họ bị từ chối quyền nhập cảnh Hong Kong, The Telegraph dẫn lời Chủ tịch Ủy ban, ông Richard Ottaway.
Khi được hỏi về sự từ chối này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, tình hình ở Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc và nước ngoài “không được can thiệp”. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa nói rằng, chuyến đi của nhóm nghị sĩ Anh là “công khai đối đầu và không có lợi cho sự phát triển quan hệ Trung - Anh”.
Đáp lại, ông Ottaway sử dụng đúng cụm từ của Phát ngôn viên Trung Quốc khi nói: “Chính phủ Trung Quốc đang cư xử theo một cách đối đầu công khai khi từ chối quyền tiếp cận của chúng tôi để thực hiện công việc”. Công dân Anh không cần visa để vào Hong Kong, nhưng bà Hoa tuyên bố: “Mọi quốc gia đều có quyền chủ quyền để quyết định có cấp hay không cấp visa hay cấp loại visa nào”. Đại diện Trung Quốc cũng tuyên bố: “Trung Quốc nhiều lần bày tỏ với Anh rằng, chúng tôi phản đối cái gọi là cuộc điều tra của nhóm do Hạ viện Anh cử đến”.
Tuần trước, một nhóm nhà làm luật khác của Anh cũng phải hoãn chuyến thăm Trung Quốc đại lục, sau khi một nghị sĩ công khai ủng hộ quyền tự trị cho Hong Kong không được cấp visa. Ông Richard Graham, cựu quan chức ngoại giao công tác tại Bắc Kinh và Macao hồi những năm 1980, bị từ chối visa vào phút chót trước khi lên đường thực hiện chuyến thăm 3 ngày và không lâu trước khi có thông báo Thái tử William sẽ đại diện chính phủ Anh thăm Trung Quốc vào tháng 3 tới. Chuyến đi của Thái tử được báo chí Anh nhìn nhận là nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Quan chức phụ trách tài chính Hong Kong John Tsang nói rằng, đợt biểu tình đã làm hỏng hình ảnh quốc tế của Hong Kong và ảnh hưởng tâm lý của giới đầu tư, khiến tăng trưởng kinh tế của đặc khu có thể còn thấp hơn mức dự báo 2,2% của chính quyền. Doanh thu bán lẻ của Hong Kong gần đây cũng giảm.