Hôn mê vì ăn lẩu hoa

Việc 4 người dân ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng dù đã rất “cảnh giác” khi chọn món lẩu chay, nhưng vẫn phải nhập viện do trong món lẩu có loài hoa tên gọi loa kèn.

Hôn mê vì ăn lẩu hoa

> Những món ‘bẩn’ bán chạy trong ngày hè
> Hôn mê sau khi ăn ốc

Việc 4 người dân ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng dù đã rất “cảnh giác” khi chọn món lẩu chay, nhưng vẫn phải nhập viện do trong món lẩu có loài hoa tên gọi loa kèn.

Bệnh nhân Nguyễn Thành Phát được điều trị tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng.

Ngộ độc vì ăn hoa loa kèn

Trưa 11/10, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lâm Đồng đã cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xuất viện sau khi hoàn thành điều trị sức khỏe đã phục hồi tốt.

Vụ ngộ độc do ăn món lẩu chay nhúng hoa loa kèn vàng đã khiến 2 nhà sư và 2 đệ tử nhập viện còn 1 thầy trụ trì do bị nhẹ nên đi bệnh viện.

Bốn bệnh nhân gồm: Lê Công Diễn (63 tuổi), Lê Văn Tây (63 tuổi), Nguyễn Thành Công (21 tuổi) và Nguyễn Thành Phát (19 tuổi) nhập viện vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK tỉnh Lâm Đồng) lúc 18 giờ 20 phút ngày 9/10 do ngộ độc thức ăn vì hoa loa kèn vàng với các triệu chứng: bị ảo giác, nói mê sảng, lú lẫn, nhìn mờ, nhịp tim nhanh, giãn đồng tử, run tay chân...

Theo bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, hoạt chất từ hoa loa kèn đã gây ra ngộ độc cho bệnh nhân giống như các triệu chứng ngộ độc cà độc dược. Các bác sĩ đã kịp thời dùng các biện pháp đào thải chất độc, an thần cho bệnh nhân.

Theo lời kể của các bệnh nhân, trưa 9/10 vừa qua, 5 sư thầy và đệ tử của Tịnh xá Kỳ Quang (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) ăn trưa bằng món lẩu chay và hái hoa loa kèn ở hàng rào chùa nhúng vào lẩu vì tin rằng ăn hoa loa kèn vàng sẽ giúp trị bệnh tăng huyết áp.

Sau khi ăn 2 giờ đồng hồ, người ăn xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thức ăn nên 4 người bị nặng đã nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Đức Trọng, đến cuối buổi chiều cùng ngày thì được chuyển lên BVĐK tỉnh Lâm Đồng để cấp cứu điều trị.

BS Nguyễn Xuân Tạo - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh Lâm Đồng cho biết: 4 bệnh nhân này bị ngộ độc thức ăn ở mức độ vừa phải nhưng nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong.

Chỉ ngửi cũng trúng độc

Loại hoa loa kèn được trồng rất nhiều tại Lâm Đồng. Trước đây đã có nhiều đồn đoán cho rằng loại hoa loa kèn này được bọn tội phạm "chiết xuất" ra chất tạo thôi miên cho người không may hít vào.

Nhưng theo TS. Nguyễn Công Thoại, chuyên gia thực vật học Trường ĐH Đà Lạt: "Trong cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" có một trang viết về cây thuốc có tên là "Cà độc dược" (đang được dư luận đặt nghi vấn là cây Borrachero ở Colombia bởi có hình dáng bên ngoài rất giống). Tuy nhiên, "Cà độc dược" là cây có hoa chĩa thẳng lên trời và quả có nhiều gai.

Trong khi đó, cây hoa loa kèn tại Đà Lạt và cây Borrachero ở Colombia có hoa màu trắng tinh khiết hoặc vàng rực rỡ, khi nở đều chúi đầu xuống đất. Nghi vấn trên của người dân là hoàn toàn không có cơ sở.

Được biết, 2 năm trước, BVĐK tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân cấp cứu vì hoa loa kèn. Tuy nhiên, lần đó bệnh nhân không ăn mà chỉ ngắt loại hoa này đem lên ngửi vì thấy đẹp và ngộ độc không nặng như 4 bệnh nhân lần này.

Đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về các chất có trong hoa cây hoa kèn. Tuy nhiên, qua những bệnh nhân bị ngộ độc có thể nhận định loại hoa này có thể có chất gây ảo giác.

Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi cho thời tiết quanh năm đều có hoa loa kèn. Chính vì vậy để tránh những trường hợp đáng tiếc như 4 trường hợp kể trên, thiết nghĩ, Chi cục ATVSTP tỉnh Lâm Đồng cần có khuyến cáo mạnh mẽ đến người dân về việc dùng hoa loa kèn để nấu ăn.

Và hơn nữa, để người dân có thêm kiến thức về loài hoa loa kèn, thiết nghĩ cần phải có công trình nghiên cứu đầy đủ về loại hoa này. Tránh những đồn thổi không đáng có.

Theo An Nhiên - Lâm Vinh
Sức Khỏe Đời sống

Theo Đăng lại