Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu vi chất cần thiết
Hơn 50 % trẻ em Việt Nam hiện nay đang bị thiếu các vitamin A, B1, C, D và sắt - thiếu lượng vi chất cần thiết cao hơn hẳn so với trẻ em các nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đang phải đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do chế độ ăn hàng ngày không hợp lý.
Thực trạng
Kết quả trên được công bố tại hội thảo khoa học và báo cáo kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) do Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Công ty Friesland Campina tổ chức tại Ninh Bình hôm 2.3.
SEANUTS được tiến hành với quy mô khảo sát lớn là 16.744 trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi tại 4 nước: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam từ năm 2010 -2012, trong đó trên 2.880 trẻ em trước và trong độ tuổi tiểu học ở Việt Nam.
GS.TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết trong số 4 nước Đông Nam Á được khảo sát trên, Việt Nam có tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị thiếu vi chất cần thiết cũng như có mức độ thiếu vi chất cần thiết là đông và cao nhất. Cứ 3-4 trẻ Việt Nam thì 1 trẻ có tình trạng dinh dưỡng không hợp lý, thiếu dưỡng chất hoặc thừa dinh dưỡng.
Nhóm trẻ trai ở khu vực thành thị và nhóm trẻ gái ở khu vực nông thôn có tỷ lệ thiếu vitamin D là 46,69% và 46,65%. Trong đó, nhóm trẻ gái ở khu vực thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất (58,36%), tiếp đến là nhóm trẻ trai ở khu vực thành thị (46,76%). Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em (từ 5 tháng đến 5,9 tuổi) ở nông thôn là 25% và thành thị 20%. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tuổi học là 11,8% - xếp ở mức độ nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng khi tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) nhẹ cân vùng thành thị là 10,8%, vùng nông thôn là 20,8%; trong khi có đến 29% trẻ thừa cân, béo phì (TCBP) ở thành phố và 5,5% trẻ (TCBP) ở vùng nông thôn bị béo phì. Có đến 50% số ca trẻ sơ sinh tử vong tại Việt Nam là do trẻ bị suy dinh dưỡng trước và sau khi được sinh. Hiện tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong chiếm 70% số trẻ em tử vong dưới 1 tuổi và chiếm 50% số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi.
Giải pháp
TS Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam – người điều phối dự án khảo sát trên cho biết: "Quan niệm chăm sóc con cái chưa đúng của các bậc cha mẹ Việt Nam là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thiếu hụt vitamin và tình trạng suy dinh dưỡng hoặc béo phì ở trẻ. Chẳng hạn, nhiều bà mẹ tránh cho con tiếp xúc với ánh nắng, giữ trẻ trong phòng tối, từ đó làm trẻ bị thiếu vitamin D. Và nhiều trẻ sinh ra trong gia đình khá giả bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì là do có chế độ ăn uống không hợp lý. Điều này chứng tỏ nhiều bà mẹ vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để biết cách cân đối dinh dưỡng trong các bữa ăn cho con".
PGS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết: "Chúng ta đang gặp vấn đề về thừa cận, béo phì, thiếu chất dinh dưỡng… Để giải quyết vấn đề này tốt phải có sự hợp tác chặt chẽ của các bên. Sự gia tăng TCBP ở vùng thành thị là vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách cần được can thiệp sớm".
Theo GS.TS Lê Thị Hợp, khảo sát SEANUTS có thể giúp Việt Nam có số liệu đối chiếu tình hình dinh dưỡng của mình so với các nước trong khu vực dựa vào các tiêu chí đánh giá tương đồng, từ đó đánh giá thực trạng dinh dưỡng, và hoạch định các chương trình can thiệp dinh dưỡng hợp lý hơn. Hiện Viện Dinh Dưỡng đang dựa vào khảo sát này để phác thảo ra các chiến lược đẩy mạnh dinh dưỡng của trẻ em trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Mark Boot, Tổng Giám đốc Công ty Friesland Việt Nam – đơn vị đề xuất và hỗ trợ tài chính để thực hiện cuộc khảo sát này cho biết: ”Chúng tôi đáng giá cao việc Viện Dinh Dưỡng, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan khác đều nỗ lực góp sức hoạch định chương trình dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em Việt Nam trong thời gian tới, do đó chúng tôi tin tưởng rằng chất lượng dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam trong tương lai gần chắc chắn sẽ có cải thiện lớn".
Theo Lao Động