Tháng 10/2022, cả nước có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm trước. Dù khởi sắc về số lượng, nhưng vốn đăng ký bình quân thì ngày càng nhỏ. Trung bình, vốn đăng ký của mỗi doanh nghiệp là khoảng 8,2 tỷ đồng, thấp hơn cả thời điểm COVID-19 gây tác động nặng nề trong quý III/2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt hơn 178.000 doanh nghiệp, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 18.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, dịch vụ là lĩnh vực chiếm áp đảo về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, đạt hơn 93.000 doanh nghiệp tăng hơn 39%.
Lý giải về số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh, Tổng cục Thống kê cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 10/2022 tiếp tục phục hồi, nhất là lĩnh vực dịch vụ được dự báo sôi động hơn vào những tháng cuối năm nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng cao.
Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tiếp tục tốt lên. Phần đông ý kiến doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng, tình hình kinh doanh những tháng cuối năm sẽ tốt hơn, hoặc giữ ổn định.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cho rằng, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là sự sụt giảm nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế, tiếp đó là khó khăn về tài chính, thiếu nguyên nhiên, vật liệu, không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu lãi suất vay vốn cao…
10 tháng năm 2022, bình quân một tháng vẫn có hơn 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.