Hơn 1.000 cán bộ quản lý đê 'đỏ mắt' chờ chế độ

TPO - Lực lượng chuyên trách quản lý đê điều giữ vai trò quan trọng trong việc xử lý sự cố, giữ an toàn hệ thống, hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra. Tuy nhiên, hiện có tới 1.000 cán bộ quản lý đê chuyên trách chưa được hưởng ưu đãi nghề.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (QLĐ&PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2024.

Bên cạnh những bài học kinh nghiệm, nhiều cán bộ đã đề xuất cần có sự cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù công việc quản lý đê chuyên trách.

Hiện tại, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều là lực lượng rất vất vả, tuy nhiên thù lao được nhận trong thực tế lại rất thấp. Do hạn chế về công chức nên lực lượng này chỉ được xếp ngạch viên chức, điều này khiến họ không được hưởng chế độ ưu đãi nghề.

Cục trưởng Cục QLĐ&PCTT Phạm Đức Luận chia sẻ: “Chúng tôi rất trăn trở về việc các cán bộ quản lý đê chuyên trách không được hưởng chế độ ưu đãi nghề trong nhiều năm qua, đó cũng là khó khăn trong việc duy trì lực lượng cán bộ quản lý đê chuyên trách. Mặc dù Cục đã xây dựng được chế độ ưu đãi nghề nhưng về địa phương lại bố trí không đúng ngạch. Đặc biệt là với những tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt có chiều dài hàng nghìn km thì lực lượng này lại càng vất vả. Hiện, hơn 1.000 cán bộ quản lý đê chuyên trách đang rất mong chờ các Bộ, ngành cũng như Chính phủ có sự điều chỉnh phù hợp. Từ đó tạo thêm động lực để họ gắn bó với các tuyến đê.”

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận.

Thời gian qua, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 6 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới và hiện chúng ta đang chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7 (Yinxing) có cường độ mạnh, diễn biến còn phức tạp. Các hình thái thiên tai đã làm 513 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 84.600 tỷ đồng.

Đặc biệt, bão số 3 (Yagi, từ ngày 3-8/9), cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ.

Ông Luận khẳng định, qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bão nhiều năm, đặc biệt đợt mưa lũ sau bão số 3 vừa qua cho thấy vai trò của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc hộ đê, xử lý sự cố để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất quan trọng.